Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất: Nhiều tín hiệu lạc quan

10:29, 13/08/2024
.

(Báo  Quảng Ngãi)- Sau 14 năm được bàn giao về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) đã có những đổi mới trong kinh doanh, nhất là những năm gần đây. Năm 2024 là thời hạn cuối cùng phải trình phê duyệt Đề án tái cơ cấu DQS, nhằm tìm hướng đi vững chắc để vực dậy ngành công nghiệp đóng tàu tại KKT Dung Quất.

Hoàn thiện Đề án tái cơ cấu DQS

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn, trong đó có đề cập đến tái cơ cấu DQS. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Đề án tái cơ cấu DQS hiện đang trong quá trình hoàn thiện. Quan điểm là sẽ giúp DQS phát triển. Điều này có nghĩa là, câu chuyện phá sản sẽ không được đặt ra trong Đề án tái cơ cấu DQS lần này.

Tàu chở dầu thô được Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất bảo trì, sửa chữa hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.
Tàu chở dầu thô được Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất bảo trì, sửa chữa hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

Báo cáo tại buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đại diện lãnh đạo PVN cho biết, hiện nay, Đề án tái cơ cấu DQS đang được tiếp tục hoàn thiện theo yêu cầu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Dự kiến, tháng 8/2024 sẽ hoàn thành đề án trình các cơ quan chức năng thẩm định và tháng 9/2024 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đồng thời, lãnh đạo PVN cũng nêu nguyên nhân chậm trễ trong xây dựng Đề án tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là tìm phương án xử lý khoản nợ 7.000 tỷ đồng của DQS từ trước đó. Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã nhiều lần làm việc với PVN và DQS để tìm sự đồng thuận, nên mất nhiều thời gian, gây chậm trễ trong việc lập đề án. Theo chỉ đạo của Chính phủ, hạn cuối cùng là năm 2024 phải hoàn thành, trình phê duyệt Đề án tái cơ cấu DQS.

Theo báo cáo của DQS, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DQS trong 5 năm gần nhất (2019 - 2023) có sự tăng trưởng so với giai đoạn 2016 - 2018. Doanh thu qua các năm đều tăng trưởng mạnh, cụ thể năm 2021 doanh thu gần 400 tỷ đồng; năm 2022 doanh thu 760 tỷ đồng; năm 2023 doanh thu 790 tỷ đồng. Trong 7 tháng năm 2024, doanh thu của DQS đạt hơn 700 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận giai đoạn 2021 - 2023 là 353 tỷ đồng; lợi nhuận 7 tháng năm 2024 là 40 tỷ đồng.

 

Từ tháng 7/2010, DQS được chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sang PVN theo Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Hội đồng thành viên PVN đã có Nghị quyết số 1781/NQ-DKVN ngày 29/7/2010 về tổ chức và cơ cấu lại DQS theo ngành nghề kinh doanh chính là đóng mới, sửa chữa tàu thủy, giàn khoan và các phương tiện nổi. Ngay sau khi nhận bàn giao, PVN đã cấp 1.915 tỷ đồng vốn điều lệ, hỗ trợ hơn 3.400 tỷ đồng để DQS thanh toán các khoản nợ vay, tái cấu trúc cơ cấu tổ chức, tài chính, sản xuất, duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Có nhiều khởi sắc

Chúng tôi đã nhiều lần đến DQS trong thời điểm mới bàn giao về PVN. Khi ấy, khu vực trong nhà máy cỏ mọc um tùm, sắt thép nằm ngổn ngang, hoen gỉ. Theo sổ sách ghi nhận tài chính khi chuyển giao, DQS có vốn điều lệ hơn 3.758 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.235 tỷ đồng và tổng khoản nợ phải trả là 7.440 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngân hàng 4.800 tỷ đồng, không có khả năng thanh toán nợ và phương án xử lý khi ấy là phá sản. Thời điểm đó, lao động của DQS nghỉ việc gần hết, vì thu nhập quá thấp, chỉ khoảng 2,8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, sau 14 năm nỗ lực vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh của DQS hiện giờ đang dần hồi phục, phát triển.

Sà lan Trung Nam 05 được đưa về Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất để sửa chữa.
Sà lan Trung Nam 05 được đưa về Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất để sửa chữa.

Tổng Giám đốc DQS Nguyễn Anh Minh cho biết, hiện tại, DQS duy trì việc làm cho 1.300 công nhân, lúc cao điểm lên đến 2.000 công nhân. Thu nhập của người lao động ổn định, bình quân đạt 12 - 13 triệu đồng/người/tháng. “Từ nay đến cuối năm 2024, DQS tập trung đóng mới 4 tàu container hiện đại, chạy bằng năng lượng sạch, xuất khẩu sang Hà Lan. Dự kiến sau 18 tháng sẽ hoàn thành đơn hàng này. Đồng thời, sẽ cải hoán 1 tàu hàng trọng tải 300 nghìn tấn thành kho chứa nổi cho khách hàng Singapore. Trong tháng 8/2024, DQS sẽ hoàn thành sửa chữa giàn khoan Cửu Long bàn giao cho liên danh Việt - Nga; tiếp nhận thêm 1 giàn khoan khác vào sửa chữa. Thời điểm này, DQS đã nhận được nhiều đơn hàng, đảm bảo việc làm ổn định cho công nhân đến hết năm 2025”, ông Minh thông tin.

Theo ông Minh, thời gian tới, DQS sẽ tham gia vào thị trường gia công cơ khí, đặc biệt là tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất chân đế trụ cho dự án điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi. "Điểm mấu chốt trong vực dậy, ổn định sản xuất của nhà máy từ hoang tàn, đổ nát là nhờ đường lối phát triển đúng đắn, đội ngũ người lao động có tay nghề, tính chuyên nghiệp cao, đặc biệt là rất kỷ luật về tiến độ công việc. Từ đó không ngừng tạo được niềm tin với khách hàng trong và ngoài nước", ông Minh nói.

Về phía chính quyền tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền khẳng định, Quảng Ngãi thống nhất thực hiện phương án tái cơ cấu DQS,  trung ương cần hỗ trợ DQS nâng cao năng lực cạnh tranh, ổn định hoạt động, tiếp tục tạo việc làm cho người lao động, góp phần khôi phục ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam. Điều này là cần thiết, phù hợp với quy hoạch phát triển KKT Dung Quất và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bài, ảnh: MY NA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:29, 13/08/2024

Ý kiến bạn đọc


.