(Baoquangngai.vn)- Dịch tả heo Châu Phi (ASF) đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan diện rộng là rất cao, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Người chăn nuôi trắng tay
Từ đầu tháng 7 đến nay, dịch ASF xuất hiện tại nhiều địa phương trong tỉnh, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng khiến người nuôi heo thua lỗ nặng.
Nhìn khu chuồng trại trống không vì đàn heo hơn 50 con vừa chết hàng loạt vì dịch ASF, bà Nguyễn Thị Hiền, ở thôn Hà Nhai Nam, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) lại rơi nước mắt. Đây là lần thứ 3, gia đình bà Hiền rơi vào cảnh khốn đốn vì dịch ASF “càng quét”.
Bà Hiền kể, hơn 20 ngày trước, 6 con heo nái, trong đó có 3 con vừa sinh con có biểu hiện sốt cao, nằm bệp xuống nền. Gia đình bà liên tục phun nước để giảm nhiệt độ, nấu cháo bón cho đàn heo, thậm chí mua cam về vắt lấy nước cho heo uống, nhưng chúng vẫn sốt cao, chuyển sang tím tái rồi chết.
|
Đây là lần thứ 3 gia đình bà Nguyễn Thị Hiền, ở thôn Hà Nhai Nam, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) khốn đốn vì dịch tả heo Châu Phi. |
Hết neo nái đến lượt heo thịt, heo con đều có biểu hiện tương tự rồi lăn đùng ra chết hàng loạt khiến cả gia đình bà Hiền mất ăn mất ngủ. Bà nhẩm tính, tổng thiệt hại không dưới 50 triệu đồng. “Đàn heo thịt béo tốt, 3 con heo nái vừa sinh gần 30 con, gia đình tôi mừng lắm, nhưng không ngờ bỗng chốc trắng tay. Lúc mang chúng tôi đi tiêu hủy lòng tôi đau như cắt”, bà Hiền ngậm ngùi.
Nguy cơ lây lan rất cao
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 660 ổ dịch ASF, tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 42,4 nghìn con. Tại Quảng Ngãi, dịch ASF đã xảy ra tại 26 xã của 10 huyện, thành phố, gồm: Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà, Trà Bồng, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung, dịch bệnh ASF đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan diện rộng là rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng, môi trường và sức khỏe người dân.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dịch bệnh lây lan là do việc chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, chưa đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học. Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch. Tỷ lệ tiêm phòng rất thấp vì người dân chưa thực sự quan tâm hoặc còn e ngại tính hiệu quả của vắc xin, dù đã được Bộ NN&PTNT khuyến cáo sử dụng trên phạm vi toàn quốc từ tháng 7/2023.
|
Nguy cơ bùng phát dịch tả heo Châu Phi là rất cao. |
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đỗ Văn Chung cho biết, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch, huyện Ba Tơ đã mua 17,5 nghìn liều vắc xin, huyện Mộ Đức đã mua 500 liều vắc xin để hỗ trợ cho người dân. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang tổ chức đấu thầu hơn 15,5 nghìn liều vắc xin. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương bố trí kinh phí để mua vắc xin hỗ trợ cho người dân phòng, chống dịch.
Trước tình hình dịch bệnh trên gia súc diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch ASF, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện đẩy mạnh quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển, mua bán gia súc.
Xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo chết, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng trại và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; khuyến khích chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Các địa phương cần ưu tiên bố trí kinh phí mua vắc xin tập trung và tổ chức tiêm phòng đồng bộ. Đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh ASF, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch và sử dụng vắc xin phòng dịch cho đàn heo theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT…
Bài, ảnh: ÁI KIỀU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: