Vươn lên từ nghề may

11:24, 30/06/2024
.

(Baoquangngai.vn)- Khởi đầu từ tiệm may nhỏ ở nông thôn, bà Lê Thị Thùy Dung (45 tuổi), ở xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) đã gầy dựng được một cơ sở chuyên may đồng phục học sinh, hoạt động khá hiệu quả. Những nỗ lực của bà đã giúp kinh tế gia đình được cải thiện và góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. 

Say mê với nghề

Đến nhà bà Dung ở thôn Đồng Nhơn Bắc, từ ngoài sân đã nghe tiếng máy may rầm rập vang lên qua động tác tay thoăn thoắt và đôi chân đạp đều của các nhân công. Xung quanh ngôi nhà, cũng là xưởng may, treo đầy các loại đồng phục đã may sẵn, như: Quần tây, áo sơ mi, áo khoác, váy… dành cho các em học sinh. 

Bà Dung chia sẻ, học sinh nghỉ hè cũng là lúc bà và các nhân công tất bật nhất, cố gắng hoàn thành các đơn hàng để kịp phục vụ cho các em trước khi bước vào năm học mới. Tuy mệt, vất vả nhưng ai cũng phấn khởi, đảm bảo giao các đơn hàng đúng tiến độ.

Nhiều học sinh tìm đến nhà may Thùy Dung để may trang phục.
Nhiều học sinh tìm đến nhà may của bà Lê Thị Thùy Dung (45 tuổi), ở thôn Đồng Nhơn Bắc, xã Tịnh Đông để may trang phục.

Kể về cơ duyên đến với nghề may, bà Dung cho biết, bà sinh ra trong một gia đình khó khăn, đông con. Sau khi học xong cấp 2, bà xuống TP.Quảng Ngãi để học nghề. Nhận thấy bản thân có năng khiếu với nghề may, từ năm 18 tuổi, bà quyết định chọn nghề này để lập thân, lập nghiệp; mở một tiệm may nhỏ tại nhà, may quần áo cho tất cả mọi lứa tuổi, từ người già đến trẻ em. 

Những ngày đầu lập nghiệp, bà gặp muôn vàn khó khăn. Tay nghề còn hạn chế nên khách hàng ít, thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống. Song, với quyết tâm theo đuổi niềm đam mê, nỗ lực tìm tòi, học hỏi; luôn đón đầu xu hướng với những mẫu thiết kế mới lạ, hợp thời trang, tay nghề của bà ngày càng được nâng cao. Nhiều mẫu mã đa dạng và phong phú, từ váy, đầm, áo sơ mi, áo gió cho đến đồng phục của các tổ chức, cá nhân, đơn vị trường học… luôn được khách hàng ưu tiên đặt may tại tiệm.

Nhà may của bà Dung thu hút nhiều lao động địa phương đến làm việc.
Nhà may của bà Dung thu hút nhiều lao động địa phương đến làm việc.

Dần dà, sự chuyên nghiệp, trách nhiệm với nghề đã mang đến cho bà Dung nhiều mối quan hệ thân thiết với khách hàng. Bà tiếp cận được nhiều hợp đồng may đồng phục cho học sinh ở các trường trong tỉnh, đơn hàng từ tiểu thương kinh doanh quần áo tại các chợ truyền thống. 

Lợi nhuận từ những hợp đồng đầu tiên tuy không cao nhưng cũng đủ thắp lên ước mơ trong người phụ nữ nông thôn. Bà nghĩ đến việc phát triển dây chuyền may hiện đại, tập trung cho một vài sản phẩm nhất định, nâng cao tính chuyên nghiệp, khẳng định tên tuổi trong nghề. Và rồi, cách đây khoảng 5 năm, giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực. Một nhà may với quy mô lớn, chuyên may đồng phục học sinh được hình thành. Để nhà may hoạt động hiệu quả, bà còn vay thêm nguồn vốn từ các ngân hàng, đầu tư máy may, các thiết bị hiện đại, nâng cao tay nghề cho các nhân công.

Nhiều người trẻ, có hoàn cảnh khó khăn được bà Lê Thị Dung truyền dạy nghề, tạo điều kiện để làm việc.
Nhiều người trẻ, có hoàn cảnh khó khăn luôn được bà Dung truyền dạy nghề, tạo điều kiện để làm việc.

Theo bà Dung, đồng phục học sinh không chỉ mang lại vẻ đẹp cho học sinh mà còn góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh của nhà trường; tạo sự đoàn kết, xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiết trong học sinh và nhà trường. Chính vì thế, ngày càng có nhiều đơn vị, trường học lựa chọn. Bên cạnh các trang phục bắt buộc theo quy định của học sinh, nhiều trường còn đặt may theo bản sắc, văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Đó là những thuận lợi để phát triển nghề. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh của ngành công nghiệp may mặc, buộc bà phải nỗ lực từng ngày để cơ sở luôn có chỗ đứng riêng. Với bà, điều quan trọng nhất vẫn là chất liệu vải và đường may phải đảm bảo mới tạo được uy tín cho sản phẩm trên thị trường. 

Hết lòng với phụ nữ khó khăn

Sau khi trừ các chi phí, hiện nay, nhà may mang lại cho bà Dung hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Nguồn thu nhập này không chỉ giúp bà vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình, nuôi con học đại học mà còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 5 lao động có làm việc thường xuyên, với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng mỗi tháng. 

Đặc biệt, bà luôn quan tâm, tạo cơ hội việc làm, dạy nghề cho nhiều phụ nữ trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Trong số đó, có chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (35 tuổi), người ở cùng thôn.

“Hoàn cảnh của gia đình hiện rất khó khăn. Chồng tôi bị suy thận đã 12 năm. Một mình tôi phải gồng gánh cả gia đình, vừa lo cho chồng bệnh tật và nuôi con nhỏ. Thấy cuộc sống gia đình tôi quá khó khăn, bà Dung đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để tôi làm việc thường xuyên, vừa có nguồn thu nhập ổn định, vừa gần nhà, thuận tiện trong việc chăm sóc chồng và đưa con đi học. Hiểu được tấm lòng của bà Dung, tôi cũng cố gắng làm việc, tăng ca đều đặn để nhà may ngày càng phát triển hơn nữa”, chị Hằng chia sẻ.

Hội
Đồng phục học sinh là dòng sản phẩm mà bà Dung tập trung phát triển.

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Tịnh Đông Trương Thị Kiều, bà Dung đã phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, vất vả trong quá trình phát triển nhà may. Tuy vậy, với ý chí và quyết tâm của bản thân, bà đã gầy dựng được nghề, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nông thôn; góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương. Bên cạnh đó, bà còn đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội, đưa phong trào của phụ nữ ở xã ngày càng phát triển đi lên. Những cố gắng của bà đã và đang góp phần nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay; xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ địa phương học tập và làm theo.

Bài, ảnh: T.HẬU - T.NHÀN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 11:24, 30/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.