“Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai”

08:56, 16/05/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chủ đề của Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2024 (từ ngày 15 - 22/5) nhằm đề cao tính chủ động, tiên phong của các hoạt động phòng ngừa, nâng cao năng lực cộng đồng, góp phần giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.

Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra trên 5.300 sự cố, thiên tai, làm 1.143 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế trên 9.700 tỷ đồng. Do đó, việc chủ động phòng, tránh và ứng phó với thiên tai theo phương châm “sớm hơn một bước, nhanh hơn một bước” sẽ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân và Nhà nước.

Sớm hơn một bước

Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hồ Trọng Phương cho biết, hành động sớm để ứng phó thiên tai thể hiện ở việc thường xuyên dự báo những diễn biến bất thường của thời tiết và cảnh báo nguy cơ thiên tai từ sớm, từ xa. Đồng thời, xây dựng phương án, kịch bản phòng, tránh và ứng phó với các cấp độ, tình huống rủi ro thiên tai có nguy cơ xảy ra ở từng địa phương và khu vực. Từ đó thông tin kịp thời, chính xác tình hình diễn biến thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân để triển khai các biện pháp chủ động phòng ngừa, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai có tích hợp ứng dụng Bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu 4 sông lớn của tỉnh, giúp chính quyền và người dân theo dõi, chủ động ứng phó.
Cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai có tích hợp ứng dụng Bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu 4 sông lớn của tỉnh, giúp chính quyền và người dân theo dõi, chủ động ứng phó.

Tại các huyện miền núi, ngay từ đầu mùa mưa bão, ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp tập trung rà soát và nắm chắc số lượng hộ dân trong vùng nguy hiểm. Qua đó, thường xuyên cảnh báo cho gần 1.850 hộ/7.350 khẩu đang sinh sống ở những khu vực có nguy cơ sạt lở núi, bờ sông, bờ suối và lũ ống, lũ quét; xây dựng phương án phòng, tránh và ứng phó phù hợp.

Như khu vực núi Vang Cà Vãi, ở thôn Làng Dầu, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà). Nhờ theo dõi và nắm bắt kịp thời diễn biến, mức độ nguy hiểm của sạt lở núi Vang Cà Vãi nên ngay từ đầu mùa mưa bão năm 2022, chính quyền địa phương cùng với ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó trước mắt cũng như lâu dài. Qua đó, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của 5 hộ dân (24 khẩu) đang sinh sống.

"Mục tiêu cốt lõi để đạt được “Hành động sớm - chủ động với thiên tai” là tăng cường nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho các nhóm đối tượng trong cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, diễn tập theo các phương án, tình huống bảo đảm phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, phát huy được “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”. Từ đó, từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng, tránh, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân và Nhà nước”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban 
Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TRẦN PHƯỚC HIỀN

Hay đối với các công trình thủy lợi, từ tháng 6 hằng năm, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác công trình tập trung gia cố, sửa chữa những hư hỏng; đồng thời xây dựng phương án, kịch bản ứng phó nhằm đảm bảo an toàn đập và hồ chứa trong tình huống khẩn cấp.

Trong năm 2023, tại hồ chứa nước Lỗ Lá, xã Phổ Nhơn (TX.Đức Phổ), đơn vị quản lý vận hành là Trạm Quản lý thủy nông số 6, thuộc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, đã kịp thời gia cố các điểm hư hỏng, nhất là cống, tràn.

Khi có mưa lớn, đơn vị bố trí người thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình hiện trạng của đập và tháo dỡ kịp thời con chạch, tấm phai và các vật chắn, vật trôi nổi ở ngưỡng tràn... Nhờ vậy, hồ chứa nước thoát lũ hiệu quả, đảm bảo an toàn công trình cũng như người, tài sản vùng hạ lưu.

Cắm biển cảnh báo nguy hiểm trên tuyến ĐH 77 đi hồ chứa nước Nước Trong vào giữa tháng 11/2023.
Cắm biển cảnh báo nguy hiểm trên tuyến ĐH 77 đi hồ chứa nước Nước Trong vào giữa tháng 11/2023.

Tại xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), địa phương được xem là “suối bùn, rốn lũ” của tỉnh, cũng luôn lên phương án “hành động sớm” trong phòng, tránh và ứng phó với thiên tai. Từ đầu mùa mưa lũ, cấp ủy, chính quyền xã Hành Tín Đông đã huy động các lực lượng và người dân phát quang bụi rậm, khơi thông dòng chảy, gia cố và chằng chống nhà cửa; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và nước uống để phòng ngừa bão lũ xảy ra.

Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Trịnh Bê cho biết, cùng với chủ động các loại vật tư, phương tiện, hậu cần ở mức cao nhất theo phương châm “4 tại chỗ”, xã đã phát huy tinh thần, trách nhiệm trong PCTT của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nhất là các đội xung kích PCTT cấp xã, thôn. Đây là lực lượng trực tiếp và đầu tiên tham gia ứng phó, cũng như thực hiện xử lý, khắc phục hậu quả, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai.

Chủ động ứng phó

Công tác phòng, tránh và ứng phó với thiên tai cũng được hệ thống chính trị các cấp chú trọng thực hiện theo hướng “nhanh hơn một bước” qua việc tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và ứng dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ trong PCTT. Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư lắp đặt 10 trạm đo mực nước tự động, 79 trạm đo mưa tự động và 6 trạm cảnh báo ngập lụt tại các ngầm, tràn và vùng thường xuyên bị ngập lụt.

Đặc biệt, điểm sáng của “nhanh hơn một bước” trong PCTT chính là việc đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên dùng PCTT từ cấp tỉnh đến 173 đơn vị cấp xã, với đầy đủ các ứng dụng như: Bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu 4 sông lớn của tỉnh là sông Vệ, Trà Khúc, Trà Bồng và Trà Câu; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin diễn biến tình hình thiên tai cũng như tình trạng ngập lụt tại các ngầm, tràn, vùng ngập sâu, điểm sạt lở đất... Qua đó, giúp chính quyền và người dân các địa phương trong tỉnh kịp thời theo dõi, chủ động ứng phó.  

Các lực lượng chức năng xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) tổ chức khắc phục hậu quả do đợt mưa lớn vào giữa tháng 11/2023.
Các lực lượng chức năng xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) tổ chức khắc phục hậu quả do đợt mưa lớn vào giữa tháng 11/2023.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Võ Đoàn, cơ sở dữ liệu chuyên dùng PCTT là công cụ đắc lực hỗ trợ các địa phương xây dựng phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống, cấp độ, loại hình rủi ro thiên tai sát hơn, phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Đây cũng là "kho" cung cấp dữ liệu, số liệu liên quan đến lưu lượng, cường độ mưa cũng như thông tin ngập lụt tại các ngầm, tràn, vùng ngập sâu, điểm sạt lở đất... ở các khu vực, địa phương trong tỉnh.

Hiện nay, tất cả các thông tin, dữ liệu của phần mềm cơ sở dữ PCTT được cập nhật lên hệ thống https://csdlpctt.quangngai.gov.vn/, giúp chính quyền và người dân theo dõi, tạo thuận lợi trong việc truyền tải thông tin ứng phó khẩn cấp từ tỉnh đến cơ sở. “Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh triển khai thực hiện các biện pháp PCTT phù hợp, trong đó có việc tổ chức 10 lớp tập huấn về PCTT và gửi tin nhắn qua Zalo cảnh báo đến những thuê bao khu vực bị ảnh hưởng. Các thông tin liên quan đến công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai cũng sẽ liên tục được cập nhật liên tục, kịp thời và chính xác, góp phần phục vụ tốt hơn công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành trong các tình huống cụ thể”, ông Đoàn nhấn mạnh.

Với sự chủ động phòng, tránh và ứng phó kịp thời, nên những năm qua, thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh đã được giảm đến mức thấp nhất. Riêng năm 2023, trên địa bàn tỉnh không xảy ra thiệt hại về người do thiên tai.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 08:56, 16/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.