Đây chính là nền tảng, động lực để ngành công thương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2024.
Xác lập kỷ lục mới
Xuất khẩu dăm gỗ tại Khu Kinh tế Dung Quất. Ảnh: ĐÀO THANH |
Bước phát triển này chính là động lực lớn để Quảng Ngãi tiếp tục tin tưởng, kỳ vọng ngành công nghiệp sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả trong năm 2024. Đây là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Trong năm mới này, Quảng Ngãi đặt chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong GRDP chiếm khoảng 70 - 71%. Giá trị sản xuất khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 1,42% so với năm 2023. Sản lượng công nghiệp chủ lực lọc dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dự kiến đạt khoảng 6,1 triệu tấn; Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến đạt khoảng 5,474 triệu tấn thép.
Thích ứng với những khó khăn chung của thế giới, trong năm 2023 các DN xuất khẩu của Quảng Ngãi đã tìm ra giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đưa chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của năm bứt phá, tạo nên những dấu mốc mới. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2023 ước đạt 2,4 tỷ USD, vượt 14,3% kế hoạch năm (chỉ tiêu 2,1 tỷ USD), tăng 7,6% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu do các DN trong KKT Dung Quất và các KCN tỉnh mang về khoảng 2,2 tỷ USD. Một số sản phẩm xuất khẩu vượt chỉ tiêu năm 2023, gồm sản phẩm thép ước thực hiện 900 triệu USD, vượt 50%; cơ khí ước thực hiện 145 triệu USD, vượt 11,5%; hàng hóa khác ước thực hiện 500 triệu USD, vượt 11%. Xuất khẩu tăng đã đóng góp cho nguồn thu ngân sách của tỉnh hơn 9.100 tỷ đồng. Năm 2024, chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu được Quảng Ngãi đề ra là 2,5 tỷ USD, cao hơn 400 triệu USD so với chỉ tiêu năm 2023.
Năm 2023, Sở Công thương đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các đơn vị trong tỉnh từng bước tiếp cận thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm theo Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Hoạt động kinh doanh tiêu thụ nông sản gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới và ứng dụng khoa học công nghệ. Những hoạt động thiết thực đã giúp các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hàng nông sản trên địa bàn tỉnh phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của địa phương.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Sở Công thương tham quan gian hàng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Quảng Ngãi tổ chức tại Bình Định. Ảnh: P.DANH |
Sở Công thương đã nghiên cứu, xây dựng mô hình các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp bền vững; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá các đặc sản, sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, ứng dụng thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kinh doanh nông sản, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh. Chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản, bước đầu mang lại những kết quả khả quan. Đặc biệt là, sở đã làm cầu nối giúp DN, hợp tác xã tham gia các hội nghị kết nối cung cầu trong tỉnh, khu vực và các thị trường lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Đối với thị trường nước ngoài, trong năm 2023, Sở Công thương đã tham gia đoàn công tác của tỉnh xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tại một số quốc gia. Qua đó, góp phần lan tỏa tinh thần hợp tác, cùng nhau phát triển. Các hoạt động này đã góp phần đưa lĩnh vực thương mại tăng trưởng tích cực, trở thành điểm sáng và là trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
ĐÀO THANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: