Gần 3 thập kỷ qua, KKT Dung Quất đã thể hiện rõ vai trò trụ cột của kinh tế Quảng Ngãi, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
ĐỘNG LỰC ĐỂ QUẢNG NGÃI PHÁT TRIỂN
Sau hơn 31 năm, kể từ ngày Tiến sĩ Vật lý hải dương học Trương Đình Hiển đến khảo sát mở cảng Dung Quất thốt lên: “Ô, trời ơi! Ta thấy nó tỏa hào quang”, đến nay KKT Dung Quất đã thật sự tỏa ánh hào quang. Ngày ấy, ngay vịnh Dung Quất, ông Hiển đã có những vần thơ: “Dung Quất lung linh ánh hào quang/Vạn Tường hiển hách buổi huy hoàng/Rộn ràng bước tới phồn - hưng - thịnh/Nhà máy công trường phố dọc ngang”. Sự kỳ vọng của TS.Trương Đình Hiển (ông mất năm 2020, tại TP.Hồ Chí Minh) về Dung Quất, về Vạn Tường, về những đại công trình, nhà máy to lớn và sự phồn thịnh của Dung Quất đến nay đã trở thành hiện thực.
Hệ thống cảng nước sâu Dung Quất đang phát huy thế mạnh, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh. Trong ảnh: Doosan Vina xuất khẩu sản phẩm sang Singapore. |
Trải qua 27 năm hình thành và phát triển, KKT Dung Quất đã đóng góp đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần đưa Quảng Ngãi lọt vào tốp những tỉnh, thành phố có số thu ngân sách lớn trong cả nước. Năm 2023, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt khoảng 29,9 nghìn tỷ đồng, vượt 24,7% dự toán trung ương giao và vượt 21,8% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, số thu từ KKT Dung Quất và các KCN tỉnh chiếm 87% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Trong năm 2023, với sự nỗ lực của tập thể Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 250 nghìn tỷ đồng, đạt 142,9% so với kế hoạch năm; chiếm 95% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Giá trị thương mại, dịch vụ ước đạt 4.500 tỷ đồng (128,6% kế hoạch). Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD (131% kế hoạch), kim ngạch nhập khẩu 3,5 tỷ USD. Trong năm, Ban Quản lý đã hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tuyển dụng mới trên 3.700 lao động, đạt 148% kế hoạch năm. Lũy kế đến nay, trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 68 nghìn lao động.
PHÁT TRIỂN ĐA NGÀNH, ĐA LĨNH VỰC
Khu Kinh tế Dung Quất đã và đang “gánh” trên mình những trọng trách lớn, không chỉ là trụ cột phát triển kinh tế của Quảng Ngãi mà còn của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra nhiệm vụ sẽ mở rộng và xây dựng trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26 để hiện thực hóa việc mở rộng và xây dựng trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất.
Đặc biệt, ngày 28/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 168/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045. Phạm vi ranh giới KKT Dung Quất có diện tích trên 45,3 nghìn héc ta, trong đó phần diện tích đất liền gần 33,6 nghìn héc ta, đảo Lý Sơn 1.492ha và diện tích vùng biển khoảng 10,7 nghìn héc ta. Quy hoạch này bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của các xã Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải, Bình Phước, Bình Châu, Bình Hòa, Bình Tân Phú, Bình Thanh, Bình Dương, thị trấn Châu Ổ và một phần diện tích các xã Bình Long, Bình Nguyên, Bình Hiệp, Bình Trung (Bình Sơn); toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Tịnh Phong và một phần diện tích của xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh); toàn bộ diện tích tự nhiên xã Tịnh Hòa, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi); toàn bộ diện tích huyện đảo Lý Sơn và mặt biển liền kề.
Phối cảnh khu bến du thuyền - Khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất. Ảnh: BQL |
Khu Kinh tế Dung Quất đang bước sang trang mới, với tầm nhìn được xác định trong tương lai là sẽ phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia; trong đó, lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển, hướng đến sự thịnh vượng. Đây là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp. Trong đó, trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng.
Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Hà Hoàng Việt Phương chia sẻ, ngay sau khi Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban Quản lý đã triển khai lập 9 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 phù hợp với Quy hoạch này và đến nay có 3 đồ án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Các đồ án còn lại đang tập trung triển khai thực hiện khảo sát, lập quy hoạch và sẽ hoàn thành trình phê duyệt trong quý II/2024.
Năm 2023, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với 12 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 11,65 nghìn tỷ đồng (khoảng 507 triệu USD), trong đó có 7 dự án FDI (365 triệu USD). Điều chỉnh 41 dự án, trong đó có 13 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm trên 26,8 nghìn tỷ đồng (1,134 tỷ USD). Đến nay, tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 348 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 390 nghìn tỷ đồng (hơn 18 tỷ USD), trong đó có 63 dự án đầu tư nước ngoài (hơn 2,2 tỷ USD) và 285 dự án đầu tư trong nước (gần 340 nghìn tỷ đồng). Hiện có 253 dự án đã đi vào hoạt động. |
Bài, ảnh: PHẠM DANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN