BIẾN KHÁT VỌNG THÀNH HIỆN THỰC
Năm 1996, thời điểm bắt đầu thành lập, KKT Dung Quất có tổng diện tích 10,3 nghìn héc ta. Toàn bộ nơi đây là vùng cát trắng hoang sơ phía đông huyện Bình Sơn. Còn hiện nay, KKT Dung Quất có quy mô hơn 45,3 nghìn héc ta, bao trùm toàn bộ huyện Bình Sơn, Lý Sơn và một phần huyện Sơn Tịnh.
Hiện nay, KKT Dung Quất có 210 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 193 dự án đầu tư trong nước và 17 dự án đầu tư nước ngoài (FDI); tổng vốn đăng ký đầu tư 343 nghìn tỷ đồng (16 tỷ USD). Hoạt động của doanh nghiệp (DN) trong KKT Dung Quất đã đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách tỉnh, đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những tỉnh có nguồn thu lớn của cả nước. Riêng năm 2023, các DN trong KKT Dung Quất nộp ngân sách tỉnh khoảng 20 nghìn tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 67 nghìn lao động.
Cảng biển nước sâu Dung Quất là lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất. |
Hiện tại, KKT Dung Quất có nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực mang thương hiệu quốc gia và quốc tế, như sản phẩm của NMLD Dung Quất thuộc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn. Kể từ khi đi vào hoạt động (năm 2009) đến nay, NMLD Dung Quất sản xuất hơn 83 triệu tấn sản phẩm, cung cấp hơn 30% nhu cầu xăng dầu trong nước. Hiện Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đang triển khai dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất, nâng công suất nhà máy từ 6,5 triệu tấn lên 7,6 triệu tấn/năm, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành quý I/2028.
Bên cạnh đó là sản phẩm của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, công suất 6 triệu tấn/năm và hiện đang triển khai đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, công suất 5,6 triệu tấn/năm. Khi dự án hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thép HRC trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào thép nhập khẩu.
Đặc biệt, thông qua việc thu hút dự án đầu tư nước ngoài đến từ 13 quốc gia đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác quan trọng trên thế giới. Điển hình là dự án KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi. Dự án khởi công năm 2013. Sau 10 năm đầu tư và phát triển hạ tầng theo chuẩn của KCN chuyên nghiệp, xanh và thân thiện với môi trường, KCN VSIP Quảng Ngãi đã và đang là điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh. Đến nay, KCN VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 35 nhà đầu tư với tổng vốn hơn 1 tỷ USD đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm Mỹ, Philippines, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Trung Quốc... Trong đó, 26 nhà đầu tư đã đi vào hoạt động sản xuất, tạo hơn 29 nghìn việc làm. Dự kiến khi tất cả các nhà đầu tư này đi vào hoạt động sẽ tạo khoảng 53 nghìn việc làm cho lao động địa phương. Riêng Khu Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, có 24ha đầu tiên đã hoàn thiện hạ tầng và đưa vào sử dụng với đầy đủ các tiện ích, bao gồm công viên, trung tâm thương mại, khách sạn... phục vụ người dân sống trong khu vực.
CƠ HỘI MỚI CHO DUNG QUẤT
Cuối tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045. Theo đó, KKT Dung Quất có 9 phân khu chức năng, không chỉ đơn thuần là ngành công nghiệp, mà gồm cả lĩnh vực đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái, gắn với dịch vụ hậu cần sân bay, cảng biển, nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao. Trong chiến lược phát triển, KKT Dung Quất sẽ xây dựng, đưa huyện Bình Sơn và Lý Sơn trở thành thành phố năng động, phát triển.
Đặc biệt, tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra nhiệm vụ: “Mở rộng và xây dựng Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất”. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26. Ngoài ra, Quảng Ngãi cũng đang hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất thủ tục để triển khai dự án VSIP II Quảng Ngãi tại KKT Dung Quất, tổng vốn đăng ký khoảng 161 triệu USD. Đây là dự án được quy hoạch là KCN thông minh và bền vững, thiết kế để tích hợp công nghệ hiện đại trong các hoạt động, từ việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải, đến quản lý giao thông và an ninh. Sử dụng các thiết bị giám sát theo thời gian, làm cho KCN trở nên an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả hơn đối với nhà đầu tư và người lao động.
Bài, ảnh: THANH NHỊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: