Ngành dệt may vượt khó

23:32, 19/12/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2023, ngành dệt may mặc Quảng Ngãi có thời điểm phải cắt giảm sản xuất do không có đơn hàng. Tuy nhiên, với nỗ lực không ngừng nghỉ, các doanh nghiệp (DN) đã vượt qua khó khăn, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt kết quả ngoạn mục, mở ra triển vọng tươi sáng trong năm 2024.

Nhớ lại thời điểm giữa năm 2023, Phó Giám đốc Công ty CP May Vinatex Đà Nẵng Đặng Trọng Tâm cho biết, công ty đã vượt qua được những gian khó chưa từng có kể từ khi đưa hai nhà máy may ở Quảng Ngãi đi vào hoạt động. Thời điểm giữa năm 2023, có khi công nhân chỉ đi làm một buổi/ngày vì ít việc. Không phải công ty không lường trước được khó khăn, mà là do sự suy thoái kinh tế nặng nề từ thế giới đã ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm may mặc. Tuy nhiên, các nhà máy vẫn duy trì hoạt động, chấp nhận bù lỗ, để ổn định số lượng công nhân. Sau đó bằng những giải pháp linh hoạt và sự dần hồi phục của thị trường, đơn hàng đã gia tăng trở lại.

Công nhân Nhà máy may Vinatex Đức Phổ (CCN Phổ Hòa) sản xuất hàng xuất khẩu.
Công nhân Nhà máy may Vinatex Đức Phổ (CCN Phổ Hòa) sản xuất hàng xuất khẩu.

Kết thúc năm kinh doanh, 2 nhà máy may thuộc Công ty CP May Vinatex Đà Nẵng là Nhà máy may Vinatex Dung Quất (KCN Sài Gòn - Dung Quất) và Nhà máy may Vinatex Nghĩa Hành (CCN Đồng Dinh) đã vượt kế hoạch năm. Giám đốc Nhà máy may Vinatex Dung Quất Nguyễn Văn Hiệp cho biết, nhà máy cố gắng giữ chân hơn 500 công nhân để khi đơn hàng gia tăng trở lại thì có lực lượng sản xuất kịp thời. Vì thế, vào giữa năm, đơn hàng có đơn giá thấp một chút chúng tôi cũng vẫn nhận để công nhân có việc. May là thời gian khó khăn ấy chỉ kéo dài độ vài ba tháng, càng về cuối năm đơn hàng càng nhiều, đơn giá cũng tăng. Hiện giờ nhà máy đã nhận được đơn hàng sản xuất ổn định đến tháng 10/2024.

Đối với các DN hoạt động lĩnh vực này tại KCN VSIP Quảng Ngãi cũng trong hoàn cảnh tương tự. Đầu năm do ít đơn hàng, công nhân phải đi làm “giã gạo”, nhưng hiện nay, đơn hàng gia tăng trở lại, công nhân tăng ca trong ngày và làm việc cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Vì cần duy trì lượng công nhân ổn định để đáp ứng yêu cầu đơn hàng, các DN đã tăng chế độ tiền lương ngoài giờ, tăng chất lượng suất ăn để công nhân làm việc năng suất, hiệu quả. Với lực lượng công nhân ngành may toàn KCN VSIP Quảng Ngãi khoảng 8.000 người, việc duy trì việc làm trong thời điểm khó khăn là một áp lực lớn đối với các chủ DN. Theo các DN,  hiện đã tiếp nhận đơn hàng đảm bảo sản xuất đến tháng 7/2024, thậm chí có nhà máy đã nhận được đơn hàng đủ sản xuất cả năm 2024. Điển hình trong việc sớm ổn định và gia tăng sản xuất, đạt kết quả kinh doanh cao trong năm 2023 là Công ty TNHH Toray International Việt Nam với sản phẩm quần áo thể thao xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Anh, Mỹ...

Việc duy trì sản xuất ổn định của DN may mặc đã góp phần vào kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh năm 2023. Theo đó, kết thúc năm, Quảng Ngãi có một số sản phẩm công nghiệp vượt chỉ tiêu kế hoạch, trong đó có sản phẩm may mặc, với con số ước thực hiện 17 triệu sản phẩm, vượt 6,3%. Kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm của tỉnh đạt và vượt so với kế hoạch năm cũng có sản phẩm may mặc. Cụ thể, kim ngạch sản phẩm may mặc ước thực hiện năm 2023 là 120 triệu USD, đạt 104% kế hoạch. Năm 2024 vẫn có nhiều thách thức đặt ra đối với ngành công nghiệp dệt may, với dự báo thị trường sẽ tiếp tục khó khăn, đơn hàng sụt giảm, đơn giá thấp. Vì thế, sự chủ động tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và sáng tạo, linh hoạt trong kinh doanh vẫn luôn theo sát các DN kinh doanh trong lĩnh vực này, để có thể vượt khó, đạt được những thành công mới trong năm 2024.


Bài, ảnh: THANH NHỊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 23:32, 19/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.