(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi đang nỗ lực bảo vệ rừng, giảm nguy cơ suy thoái rừng theo kế hoạch triển khai sáng kiến của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF).
Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp được thành lập với mục tiêu chấm dứt nạn mất rừng bằng việc cung cấp tài chính trong quản lý, bảo vệ rừng với quy mô từ 2,5 triệu héc ta rừng trở lên. Nguồn tài chính này do tập hợp các chính phủ tài trợ và các doanh nghiệp để hỗ trợ giảm phát thải chất lượng cao từ các nước có rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng mất rừng.
Lực lượng kiểm lâm huyện Sơn Tây tuần tra bảo vệ rừng tại địa bàn xã Sơn Bua. |
Hiện nay, 11 tỉnh gồm Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận đã có hồ sơ đề xuất tham gia LEAF của Việt Nam với diện tích 4,26 triệu héc ta rừng. Trong đó, rừng tự nhiên là 3,24 triệu héc ta và rừng trồng 1,2 triệu héc ta. Tuy nhiên, theo quy định về loại hình tín chỉ của TREES (tiêu chuẩn môi trường REDD+tối ưu), Việt Nam chỉ tính rừng tự nhiên không tính rừng trồng.
Tại Quảng Ngãi, mới đây, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) và Chương trình UN REDD thông qua FAO và UNEP tổ chức hội thảo tham vấn triển khai sáng kiến LEAF và hồ sơ đăng ký TREES. Đây là hội thảo cấp tỉnh đầu tiên về hồ sơ đăng ký TREES để sớm hiện thực hóa mang lại những lợi ích thiết thực cho các đối tượng được hưởng lợi ở 11 tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ của Việt Nam.
Theo các nhà chuyên môn, với 4,26 triệu héc ta rừng tại 5 tỉnh Tây Nguyên và 6 tỉnh Nam Trung Bộ nếu được ký kết thỏa thuận mua bán tín chỉ carbon giai đoạn 2022 - 2026 (ước tính khoảng 5,15 triệu tấn CO2) thì các chủ rừng ở Việt Nam sẽ có thêm nguồn thu nhập khá lớn. Bởi trung bình mỗi tấn CO2 sẽ được trả 10 USD. Đây là nguồn lực để các chủ rừng tiếp tục cho đầu tư công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sinh sống gần rừng, giảm áp lực kinh phí đầu tư của địa phương.
Để tăng cường bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng trồng, duy trì và tăng độ che phủ rừng, những năm qua, Quảng Ngãi đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phát triển ngành lâm nghiệp. Đáng chú ý là phát triển rừng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC) và trồng rừng gỗ lớn. Trong đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mở ra cơ hội cho đồng bào miền núi cải thiện đời sống, giúp cộng đồng bảo vệ rừng có trách nhiệm hơn. Bên cạnh đó, những năm gần đây, các huyện miền núi như Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ, Trà Bồng cũng đã triển khai các giải pháp, chương trình tạo sinh kế cho người dân dưới tán rừng bằng cách hỗ trợ mây giống, triển khai mô hình trồng cây dược liệu...
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến cho biết, thông qua các nguồn hỗ trợ, huyện đã triển khai một số mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên. Hiện nay, các loại cây dược liệu đang phát triển tốt và hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương. Một khi rừng là nơi tạo sinh kế cho người dân thì người dân sẽ nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Duy Hưng cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 106 nghìn héc ta rừng tự nhiên. Để bán được CO2, phải đáp ứng được 7 tiêu chí LEAF đưa ra. Hiện tại, tỉnh ta đã đáp ứng được 7 tiêu chí này. Điều quan trọng trong thời gian tới là phải nỗ lực bảo vệ rừng, giảm nguy cơ suy thoái rừng. Bởi, nếu không đủ diện tích cũng như lượng carbon theo tiêu chí của LEAF, sẽ mất đi nguồn tài chính.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: