(Báo Quảng Ngãi)- Việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh thời gian qua bước đầu mang lại một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực đầu tư nên chất lượng và tiến độ chưa đạt được như kế hoạch đề ra.
Những mục tiêu cụ thể
Phát triển thương mại của tỉnh đang thực hiện theo 2 chương trình, kế hoạch, gồm chương trình, kế hoạch phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và chương trình, kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2023 của tỉnh Quảng Ngãi. Mục đích chung là phát triển thương mại trên địa bàn theo hướng hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất của tỉnh ngày càng đổi mới, phát triển. Xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội. Riêng đối với lĩnh vực thương mại điện tử, mục tiêu là thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong DN và cộng đồng dân cư; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Qua đó, hỗ trợ cho DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu...
Lãnh đạo tỉnh tham quan hàng hóa trưng bày tại Hội chợ sản phẩm công nghiệp các KKT, KCN tổ chức tại Quảng Ngãi tháng 7/2023. |
Các chương trình, kế hoạch phát triển thương mại nói trên đã đề ra một số mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đổi mới và hội nhập. Đối với thương mại điện tử, đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; áp dụng phổ biến chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch thương mại điện tử; 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; 100% DN ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh; 90% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ như vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng...
Đối với phát triển thương mại trong nước, từ nay đến năm 2030, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 8 - 9%/năm; trao đổi hàng hóa qua các cơ sở bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi chiếm khoảng 38%. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phát triển đồng bộ, đa dạng, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại.
Thời gian qua, bằng giải pháp linh hoạt, ngành công thương đã triển khai thực hiện nhiều phần việc, thiết thực đưa chương trình, kế hoạch phát triển thương mại đi vào thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là kết nối cung cầu, đưa hàng hóa của Quảng Ngãi vào thị trường. Cụ thể là tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cấp tỉnh, khu vực, quốc gia và xúc tiến ra nước ngoài. Trong đó, các phiên chợ hàng Việt được tổ chức theo hình thức kết nối tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh với hàng trăm DN tham gia, có cả DN ngoài tỉnh, thu hút hơn 10 nghìn lượt người dân tham quan, mua sắm. Đồng thời, hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất xây dựng thương hiệu hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia các thị trường lớn, thị trường khó tính như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt, đối với lĩnh vực thương mại điện tử, Sở Công thương đã giới thiệu 110 sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu trực tuyến...
Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng các mục tiêu đề ra, việc tổ chức triển khai thực hiện vẫn chủ yếu là lồng ghép với các chương trình, kế hoạch khác, do thiếu nguồn lực tài chính. Theo các đề án được phê duyệt thì việc phát triển thương mại để đạt các mục tiêu trên phải cần hơn 300 tỷ đồng từ ngân sách, song thực tế các năm qua, mỗi năm chỉ cấp khoảng vài tỷ đồng. Vì thế, những hoạt động đề ra trong kế hoạch chưa thực hiện được, nhất là việc đồng bộ hạ tầng thương mại. Hệ thống chợ đầu tư từ ngân sách chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, mô hình xã hội hóa xây dựng chợ lại bị ách tắc do cơ chế; thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa dù đã được quan tâm kích cầu song vẫn rời rạc, thiếu tính ổn định.
Theo Giám đốc Sở Công thương Võ Văn Rân, phát triển thương mại phải có nguồn lực để nâng cao chất lượng, đặc biệt là hiện đại hóa hệ thống phân phối, thương mại bán lẻ; đầu tư phát triển hệ thống lưu thông gắn với sản xuất, chế biến và hình thành các chuỗi cung ứng khép kín. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ kịp thời cho DN trong nước khai thác tốt thị trường nội địa; hỗ trợ DN tham gia xuất khẩu, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để đưa hàng hóa ra thị trường thế giới, cùng hội nhập và phát triển.
Bài, ảnh: THANH NHỊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: