(Báo Quảng Ngãi)- Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại Quảng Ngãi, sau 3 năm triển khai thực hiện đã mang lại một số kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giai đoạn từ tháng 2/2020 đến tháng 6/2023, Quảng Ngãi đã triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư xây dựng công trình dầu khí, các công trình điện theo quy hoạch phát triển điện lực được cấp thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh. Tập trung phát triển, nâng tổng công suất các nguồn điện theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia.
Toàn tỉnh hiện có 20 nhà máy điện đang vận hành, với tổng công suất 801,45MW. Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 tổng công suất các nguồn điện của tỉnh sẽ đạt khoảng 3.000MW, đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của tỉnh.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. |
Theo số liệu của Sở Công thương, quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh theo các quyết định của UBND tỉnh và Bộ Công thương gồm 33 dự án, với tổng công suất 666,95 MW. Quy hoạch điện mặt trời theo các quyết định của Bộ Công thương có 2 dự án, với tổng công suất thiết kế 68,808 MWp và Quy hoạch Điện khí (Quyết định số 1896/QĐ-BCT ngày 29/5/2017 của Bộ Công thương) gồm 3 nhà máy điện khí Dung Quất I, II và III với tổng công suất 2.250MW.
Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các nhà đầu tư đẩy mạnh khảo sát, đánh giá trữ lượng năng lượng trên địa bàn tỉnh. Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như: Thủy điện, năng lượng gió, mặt trời cho phát điện; phát triển điện sinh khối đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn và đề xuất đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Riêng phương án Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030 gồm có 10 dự án thủy điện (tổng công suất 130MW); 4 dự án điện mặt trời (624MWp); 3 dự án điện gió trên đất liền (200MW); 1 dự án điện gió gần bờ (1.000MW); 2 dự án điện sinh khối 75 MW...
Với phụ tải điện hiện tại và dự báo trong tương lai, các dự án nguồn điện hiện có và các nguồn điện dự kiến đầu tư xây dựng giai đoạn 2021 - 2030 theo quy hoạch sẽ đảm bảo cung ứng điện đầy đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là đảm bảo cung ứng điện cho các nhà máy trong KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 20 nhà máy điện đang vận hành với tổng công suất 801,45MW. Trong đó, có 16 nhà máy thủy điện (tổng công suất 397,45MW); 2 nhà máy điện mặt trời (56MW), 2 nhà máy nhiệt điện tự dùng (348MW). Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2016-2021 là 17,16%/năm. Tổng lượng điện tiêu thụ năm 2022 trên địa bàn tỉnh là 2,2 tỷ kWh. Dự kiến nhu cầu phụ tải và sản lượng điện tiêu thụ năm 2023 công suất max là 470MW và 2,184 tỷ kWh; năm 2025 công suất max dự kiến là 930MW và 2,9 tỷ kWh. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp một số khó khăn, vướng mắc. Nhất là việc phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh quy hoạch điện và năng lượng cho phù hợp với yêu cầu phát triển mới, làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các dự án và tác động đến việc thu xếp vốn, huy động vốn của các chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, phát triển năng lượng, nhất là đối với năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng mới được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế, quy định cụ thể trong việc khuyến khích, hỗ trợ phát triển nên còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện, việc phân bố nguồn lực đầu tư còn hạn chế, một số dự án chậm tiến độ, thậm chí còn chậm triển khai đầu tư.
Thời gian qua, thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, cũng như các chuyến xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực quảng bá, mời gọi thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm trong và ngoài nước đến khảo sát, đầu tư các dự án năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh. Quá trình phát triển các dự án năng lượng, tỉnh cũng chỉ đạo bố trí quỹ đất cho các dự án, công trình; huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội. Chính quyền các cấp hỗ trợ các chủ đầu tư kịp thời và hiệu quả trong công tác quy hoạch sử dụng quỹ đất cho các dự án; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục đất đai để đầu tư các dự án.
Để góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị Bộ Công thương xem xét đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 các dự án, công trình nguồn, lưới điện trên địa bàn Quảng Ngãi nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành triển khai thực hiện Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo điều kiện, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ “Mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất”. Đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh và từ các dự án thượng nguồn để thực hiện các dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I và III tại KKT Dung Quất.
Bài, ảnh: PHẠM DANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: