(Báo Quảng Ngãi)- Ứng dụng công nghệ số trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại các huyện miền núi. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này thì vẫn còn nhiều khó khăn.
Thời gian qua, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (Sơn Tây) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, nhiều sản phẩm của HTX ngày càng được nhiều người biết đến, nhất là ổi Soli và bưởi da xanh. Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên Phạm Thị Trầm cho biết, phần lớn sản phẩm của HTX được bán thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook. Đây là kênh bán hàng hiệu quả trong thời đại công nghệ số.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo ứng dụng công nghệ số trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Sơn Tây. |
Nhận thấy ưu điểm từ việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Sơn Tây đã đề xuất mong muốn HTX này có thể đứng ra làm đầu mối trong việc tiêu thụ sản phẩm ổi, bưởi da xanh khi đến mùa thu hoạch. Theo đó, các HTX đều lấy mã số vùng trồng ổi Sơn Tây và bưởi da xanh Sơn Tây. “Nếu đã lấy mã số vùng trồng chung thì các HTX phải trồng ổi, bưởi theo quy trình của HTX Nông nghiệp và Dịch cụ Sơn Liên chứ không thể mỗi HTX làm mỗi khác. Bởi nếu không đúng quy trình sản xuất, sản phẩm làm ra có vấn đề gì sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của HTX”, bà Phạm Thị Trầm lý giải.
Sản phẩm ổi Soli của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (Sơn Tây) được bán chủ yếu qua mạng xã hội Zalo, Facebook. |
Tuy nhiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Ngọc Giàu (Sơn Tây) Văn Công Của lại cho rằng, không thể dùng chung 1 quy trình sản xuất cho tất cả các HTX trồng ổi và bưởi da xanh trên địa bàn huyện. Nguyên nhân là, mỗi vùng trồng sẽ có điều kiện tự nhiên khác nhau nên nếu áp dụng cách bón phân, phun thuốc giống nhau sẽ không phù hợp. Vì vậy, theo ông Của, có thể lấy mã số vùng trồng chung cho sản phẩm nhưng cần có chỉ dẫn riêng cho từng sản phẩm của mỗi HTX.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến cho biết, hiện trên địa bàn huyện Sơn Tây có 9 xã và 11 HTX. Các HTX này đa số đều trồng cây ăn quả như ổi, bưởi. Tuy nhiên, mới chỉ có một số sản phẩm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên là có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. Với mục tiêu là hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, nên cần các HTX cùng nhau liên kết để phát triển.
Những năm gần đây, số lượng HTX nông nghiệp trên địa bàn các huyện miền núi ngày càng nhiều, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số HTX đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, sử dụng công nghệ số để bán hàng, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, bên cạnh số ít HTX linh hoạt thích ứng, đa số các HTX còn hoạt động manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn, thiếu tính bền vững.
Các sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (Sơn Tây) được bày bán tại phiên chợ thanh niên năm 2023. |
Để hỗ trợ các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức nhiều hội chợ giới thiệu sản phẩm cũng như tập huấn các lớp bán hàng trên mạng. Mới đây, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức hội nghị ứng dụng công nghệ số trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua hội nghị, các HTX có cơ hội gặp gỡ, trao đổi nhằm tìm ra hướng đi chung trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Khi có 1 sản phẩm chung nhãn mác, các HTX sẽ có trách nhiệm hơn trong việc tạo ra sản phẩm, liên kết bền vững.
Theo lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh, phát triển kinh tế HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải có những cách làm mới, liên kết chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Bởi lẽ, nếu mỗi hộ dân sản xuất riêng lẻ sẽ rất khó để tạo vùng nguyên liệu hàng hóa lớn và có chất lượng đồng đều. “Thời gian đến, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong việc ứng dụng công nghệ số trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Song, về phía các HTX cũng cần thay đổi tư duy sản xuất và chủ động trong việc tiếp cận công nghệ số trong khâu bán hàng để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hồ Quý Nhân nhấn mạnh.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: