(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh hiện có 124 sản phẩm thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đạt sao OCOP cấp tỉnh, gồm 9 sản phẩm đạt 4 sao và 115 sản phẩm đạt 3 sao. Trên địa bàn tỉnh có 10 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, thu hút nhiều khách hàng đến tham quan, mua sắm.
Trong số các sản phẩm đạt sao OCOP có nhiều sản phẩm là nông sản, thực phẩm. Do vậy, công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP được ngành chuyên môn chú trọng thực hiện.
Sau gần 3 năm được công nhận sao OCOP, các sản phẩm được chế biến từ quế và hàng thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế của Công ty TNHH Hương quế Trà Bồng (Trà Bồng) đã phát triển về quy mô sản xuất, sức tiêu thụ và doanh thu các sản phẩm đều tăng từ 2 - 3 lần so với trước. Giám đốc Công ty TNHH Hương quế Trà Bồng Nguyễn Đức Lương khẳng định, chứng nhận sao OCOP không chỉ là danh hiệu, mà còn là “vé thông hành” giúp các sản phẩm của công ty có mặt tại nhiều kênh tiêu thụ, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Vì vậy, chúng tôi tập trung đầu tư cải tiến bao bì mẫu mã, xây dựng sản phẩm đảm bảo chất lượng để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Về phía ngành chuyên môn cũng tăng cường lấy mẫu giám sát, “hậu” kiểm chặt chẽ khâu sản xuất.
Khẳng định vị thế trên thị trường sau 3 năm được gắn sao OCOP, chủ thể các sản phẩm được chế biến từ quế chú trọng hoàn thiện sản phẩm để vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa tiếp tục dự thi nâng hạng sao OCOP. |
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Đặng Tấn Thương cho rằng, việc đánh giá và tiền kiểm chất lượng sản phẩm OCOP thực hiện đảm bảo quy trình, tiêu chí cụ thể, kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu chặt chẽ. Riêng nhóm sản phẩm thuộc ngành nông sản, đồ uống, dược liệu, vấn đề quan trọng hàng đầu là chất lượng và an toàn thực phẩm. Các sản phẩm OCOP trước khi được gắn sao đã trải qua nhiều lần xét duyệt từ tổng quan, chi tiết đến thực tế sản xuất nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn OCOP.
Mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu về vi sinh vật, kim loại nặng, dư lượng hóa chất độc hại, phụ gia thực phẩm theo quy định đối với 11 sản phẩm OCOP (của 9 chủ thể). Qua đó, phát hiện có 1 mẫu cá tẩm vượt mức tối đa cho phép chỉ tiêu Cadimi trong thực phẩm và 1 mẫu chả cá đỏ vượt mức tối đa cho phép chỉ tiêu tổng số vi sinh vật hiếu khí. Chi cục đã yêu cầu các chủ thể truy xuất hồ sơ nguồn gốc để xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục.
Chủ cơ sở sản xuất rượu Quang Hải (Mộ Đức) Trương Quang Điền cho biết, rượu là sản phẩm đặc thù nên ngoài việc đầu tư trang thiết bị máy móc đáp ứng quy mô sản xuất, còn tuân thủ chặt chẽ các chỉ tiêu và tiêu chí liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau gần 3 năm được chứng nhận sao OCOP, hiện nay, chúng tôi đang thực hiện các thủ tục, hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, xét công nhận lại sao OCOP. Giá trị của sao OCOP đã được thị trường và người tiêu dùng khẳng định, sản phẩm vì thế cũng thuận lợi hơn trong việc lưu thông và tiêu thụ. Do đó, việc đánh giá, xếp hạng lại, thậm chí nâng hạng sao sẽ tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm.
Các sản phẩm được chứng nhận sao OCOP ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. |
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các sản phẩm OCOP ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường, nên việc kiểm tra và giám sát “hậu” gắn sao cũng như kiểm tra, đánh giá lại là cần thiết. Sắp đến, văn phòng sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành về sản phẩm OCOP, giai đoạn 2019 - 2022.
Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hồ Trọng Phương cho rằng, sản phẩm OCOP có tính chất liên ngành và các quy định về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm có liên quan đến tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Chính vì vậy, cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, hướng đến việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, cũng như phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm. Qua đó, góp phần bảo vệ thương hiệu và các chủ thể của sản phẩm OCOP, giúp người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và sử dụng sản phẩm OCOP.
Nâng cao kiến thức về OCOP
Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh vừa tổ chức hội nghị tập huấn triển khai một số nội dung của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2023. Tham gia hội nghị có gần 200 học viên là chuyên viên văn phòng điều phối chương trình NTM các huyện, thị xã, thành phố; đại diện lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Bá Ngọc - Viện trưởng Viện Phát triển Công Nghệ Xanh, đã triển khai đến các học viên nội dung Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP năm 2023 trên địa bàn tỉnh, tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với Chương trình OCOP... |
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: