(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN) để cùng nhau tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động kết nối vẫn chưa đạt được kết quả như mục tiêu đề ra.
Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã lược ghi những ý kiến, đề xuất của lãnh đạo các đơn vị, ngân hàng, DN về giải pháp để ngân hàng và DN đẩy mạnh việc chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ cùng nhau phát triển bền vững.
Tại KKT Dung Quất, hiện có 2 chi nhánh ngân hàng thương mại có uy tín là BIDV Dung Quất và Vietcombank Dung Quất hoạt động khá hiệu quả. Trong chuỗi sự kiện hội chợ triển lãm, kết nối chuỗi sản xuất, tiêu thụ hàng hóa của các DN trong KKT, KCN, khu công nghệ cao khu vực Tây Nguyên - Duyên hải miền Trung và TP.Hồ Chí Minh được tổ chức mới đây tại Quảng Ngãi, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã mời 5 ngân hàng, trong đó có 2 ngân hàng nói trên cùng tham gia. Mục đích là để ngân hàng kết nối với DN, tạo ra giải pháp tài chính đảm bảo cho sự hợp tác đầu tư của các DN đi vào thực chất.
Nhờ kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu của Quảng Ngãi đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong ảnh: Xuất khẩu dăm gỗ tại cảng Dung Quất. Ảnh: T.Nhị |
Thực tế đã chứng minh, không có dự án đầu tư nào thành công mà không có sự đồng hành của ngân hàng. Một số dự án được cấp chủ trương đầu tư vào KKT Dung Quất chậm triển khai, trong đó có dự án bị thu hồi là do thiếu giải pháp tài chính, thiếu ngân hàng đồng hành. Vì vậy, việc kết nối giữa ngân hàng và DN có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khơi thông dòng vốn cho DN, hỗ trợ phục hồi và góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Các hoạt động đối thoại, kết nối giữa ngân hàng với DN đã được triển khai, song chưa thực sự tạo ra cầu nối để giúp 2 phía thấu hiểu, cùng nhau hợp tác. Đa phần DN khi có nhu cầu vay vốn vẫn chủ động tìm đến ngân hàng tìm hiểu cơ chế, chính sách, điều kiện để vay vốn. Chỉ có những DN là đối tác truyền thống, đã tạo được sự tin tưởng từ phía ngân hàng mới thực sự được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn vay.
Sản xuất sữa đậu nành Vinasoy tại Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy (Công ty CP Đường Quảng Ngãi). Ảnh: T.Nhị |
Mặt khác, hiện tại dòng vốn vay dành cho DN chủ yếu là vốn vay thương mại, lãi suất khá cao, chưa thuận lợi cho DN khi vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Một số dòng vốn hướng vào sản xuất, kinh doanh, ưu tiên một số lĩnh vực, song điều kiện cho vay lại thắt chặt, DN khó đáp ứng để được ký kết hợp đồng, giải ngân. Hồ sơ thủ tục vay vốn tuy được minh bạch hơn trước nhưng vẫn chưa thực sự thuận lợi, dễ dàng cho DN. Gần đây, mặt bằng lãi suất hợp lý hơn, do các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của trung ương, nhưng vẫn chưa thật sự thuận lợi cho DN. Vì thế, cộng đồng DN Quảng Ngãi mong muốn mối quan hệ này cần phải được cải thiện, sẵn sàng hợp tác, bình đẳng, có lợi, cùng nhau phát triển. Chính quyền và ngân hàng nhà nước cần phải phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối, đưa vốn từ ngân hàng đến với DN để đầu tư vào sản xuất.
Thời gian qua, BIDV Quảng Ngãi đã không ngừng nỗ lực thay đổi cung cách phục vụ, ứng dụng công nghệ số nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Tính đến cuối tháng 6/2023, dư nợ tín dụng của BIDV Quảng Ngãi đạt 8.682 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch quý II/2023. Về huy động vốn, đạt 10,536 nghìn tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch quý II/2023. Nguồn vốn của BIDV Quảng Ngãi đã tạo điều kiện cho hơn 115 nghìn khách hàng là DN, cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Hiện BIDV Quảng Ngãi đang triển khai cho vay nhiều lĩnh vực, phân khúc khách hàng khác nhau, nhưng phân khúc khách hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất là khách hàng DN (chiếm 65%), trong đó có DN nhỏ và vừa, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài... Ngoài ra, BIDV Quảng Ngãi đang có nhiều sản phẩm dịch vụ hiện đại hỗ trợ cho DN nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí.
Bên cạnh các gói cho vay thông thường, BIDV Quảng Ngãi đang triển khai các gói ưu đãi lãi suất vay như gói 30 nghìn tỷ đồng cho vay sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng cá nhân. Theo đó, đã có nhiều khách hàng tiếp cận gói vay, với dư nợ 788 tỷ đồng. Hay gói tín dụng ngắn hạn Việt Nam đồng ưu đãi dành cho đối tượng khách hàng DN năm 2023, hiện dư nợ đạt 1.900 tỷ đồng. Ngoài ưu đãi lãi suất, ngân hàng còn chủ động tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc của khách hàng để cùng tìm phương án tháo gỡ. Đó cũng là giải pháp giúp ngân hàng đảm bảo an toàn vốn vay.
Thông qua các hội nghị kết nối, BIDV Quảng Ngãi và đối tác của mình đã ngồi lại với nhau để chia sẻ, tháo gỡ những vướng mắc trước đó. Nhờ vậy, mối quan hệ hợp tác giữa ngân hàng với DN ngày càng bền chặt hơn. Với DN, ngân hàng không chỉ đánh giá thẩm định vốn dựa trên giá trị tài sản đảm bảo, mà còn dựa trên hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cũng như uy tín của DN.
Tính đến ngày 30/6/2023, huy động vốn của Vietcombank Quảng Ngãi đạt 9.229 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2022. Dư nợ cho vay đạt 7.735 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2022. Trong đó, cho vay lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 34% tổng dư nợ; thương mại - dịch vụ chiếm 47,1%. Cùng với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đa dạng, tiện ích, cung cách phục vụ tận tình, chu đáo, Vietcombank Quảng Ngãi đã trở thành địa chỉ cấp tín dụng tin cậy của DN, đối tác.
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Quảng Ngãi. Ảnh: H.Hoa |
Trong những thời điểm khó khăn, Vietcombank Quảng Ngãi đã cố gắng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng. Cụ thể, Vietcombank Quảng Ngãi đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 1,5% theo chủ trương và chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, từ đầu năm 2023 đến nay, Vietcombank đã 2 lần liên tiếp giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay Việt Nam đồng cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và DN. Bên cạnh đó, Vietcombank Quảng Ngãi cũng đã thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ cho khách hàng để có điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Không riêng gì Vietcombank Quảng Ngãi, mà tất cả các ngân hàng đều hiểu rằng, ngân hàng cũng là DN và mối quan hệ giữa ngân hàng và DN là mối quan hệ kinh doanh bình đẳng, đôi bên cùng có lợi. Ngân hàng muốn tăng trưởng tín dụng thì phải dựa vào DN và ngược lại, DN muốn phát triển sản xuất, kinh doanh cũng phải dựa vào đồng vốn của ngân hàng. Vì vậy, không có lý do gì mà ngân hàng từ chối DN đủ điều kiện vay vốn. Tuy nhiên, ngân hàng là DN kinh doanh tiền tệ, nên cùng với việc nỗ lực đưa dòng vốn ra nền kinh tế thì cũng phải đảm bảo thu hồi được nguồn vốn đã cho vay. Do đó, ngân hàng cũng mong muốn DN hiểu rõ về quy định cấp tín dụng để cùng nhau hợp tác kinh doanh. Hy vọng ngân hàng và DN sẽ hiểu nhau hơn, cùng nhau ngồi lại để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cùng nhau phát triển bền vững.
H.HOA - T.NHỊ (thực hiện)
TIN, BÀI LIÊN QUAN: