(Baoquangngai.vn)- Hàng trăm công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được nhà nước đầu tư xây dựng phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà hàng loạt công trình, nhất là ở miền núi hiện nay đang bị bỏ hoang, hư hỏng không phát huy hiệu quả, gây lãng phí...
Hàng loạt công trình nước sạch không hoạt động
Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã được tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung (NTTT) nhằm giúp chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên.
Mỗi công trình được đầu tư từ vài ba trăm triệu đến tiền tỷ. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn đó là, hiện nay rất nhiều công trình cấp nước sạch NTTT không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Trong khi đó, nhiều người dân thì vẫn phải sử dụng các nguồn nước không bảo đảm vệ sinh, còn các công trình được nhà nước đầu tư nằm phơi sương, phơi nắng.
Tại huyện miền núi Minh Long, tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện có 33 công trình cấp nước sạch NTTT được nhà nước đầu tư xây dựng tại các địa phương, song theo thống kê, có đến 19 công trình không hoạt động và 6 công trình hoạt động không bền vững.
Hàng trăm công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các huyện miền núi không hoạt động hoặc hoạt động kém bền vững. |
Còn tại huyện Ba Tơ, trong số 75 công trình cấp nước sạch nông thôn, chỉ có 3 công trình hoạt động bền vững, còn lại 40 công trình không hoạt động, 22 công trình hoạt động kém bền vững và 10 công trình hoạt động tương đối bền vững.
Thậm chí, có công trình đã xây dựng xong nhưng bỏ không, chưa thể nghiệm thu, đưa vào sử dụng vì hư hỏng. Cụ thể như, công trình Sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt thôn Mang Đen, xã Ba Vì (Ba Tơ), được đầu tư với số tiền 500 triệu đồng.
Theo UBND huyện Ba Tơ, công trình này đã được thi công hoàn thành 100% khối lượng, đảm bảo theo thiết kế được duyệt. Tuy nhiên, tuyến ống từ đầu mối về khu xử lý có chiều dài 150 m của giai đoạn I do ảnh hưởng của mùa mưa lũ năm 2020 đã bị cuốn trôi hư hỏng hoàn toàn, nên không có nước sinh hoạt cho người dân ở các thôn Y Vang và Mang Đen; đồng thời không thể cấp nước đến bể chứa của công trình để vận hành giai đoạn tiếp theo, dẫn đến chưa thể chưa thể nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Nhiều hộ dân ở miền núi phải dẫn nước từ sông, suối về để dùng sinh hoạt hằng ngày. |
Với thực trạng hàng loạt công trình cấp nước sạch NTTT hư hỏng, không phát huy được hiệu quả trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các huyện miền núi thời gian qua, khiến cho người dân từ mong ngóng, chờ đợi rồi… thất vọng. Hàng trăm hộ dân lại phải tự xoay sở tìm nguồn nước khác để sinh hoạt.
Ông Hồ Văn Tính ở xã Sơn Trà (Trà Bồng) cho biết, người dân chúng tôi rất mong mỏi có nước sạch để sử dụng sinh hoạt hằng ngày, nhất là trong mùa nắng, nhưng tôi thấy, công trình nước sạch nhà nước đầu tư chỉ hoạt động trong thời gian ngắn là “hết nước”. Mấy năm nay, người dân chúng tôi phải tự mua ống để dẫn nước từ khe suối về sinh hoạt.
Bất cập trong quản lý, vận hành sau đầu tư
Qua rà soát của Sở NN&PTNT, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 513 công trình cấp nước sạch NTTT được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tỷ lệ công trình hoạt động tương đối bền vững, kém bền vững và không hoạt động chiếm khoảng 94,74% tổng số công trình (486/513 công trình); trong đó hầu hết là các công trình thuộc các xã miền núi có quy mô, công suất nhỏ, lại nằm xa khu dân cư và ở những vị trí có địa hình tương đối phức tạp.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, nguyên nhân công trình kém bền vững và không hoạt động là do công tác quản lý, đầu tư xây dựng còn nhiều thiếu sót. Công trình sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư không kiểm tra, đánh giá các thông số đạt được so với thiết kế; không có quy trình quản lý, vận hành; không có kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực vận hành.
UBND xã quản lý, sử dụng và khai thác công trình không có cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm; công tác duy tu, bảo dưỡng gần như không thực hiện. Nhận thức của người dân về nước sạch có nâng cao, nhưng còn hạn chế trong công tác sử dụng và bảo quản công trình. Bão lũ hàng năm làm hư hỏng một số hạng mục công trình và đường ống cấp nước nhưng UBND xã, UBND huyện không có kinh phí để sửa chữa dẫn đến hư hỏng lớn làm cho công trình ngừng hoạt động.
Bất cập trong khâu vận hành, quản lý sau đầu tư là nguyên nhân chính khiến các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung không phát huy hiệu quả. |
Ngoài bất cập trong khâu quản lý, thì qua tìm hiểu của chúng tôi, tại nhiều địa phương, khi khảo sát ban đầu để xây dựng công trình chưa sát thực tế. Nhiều công trình khi khảo sát là lúc mùa mưa, nước nhiều, nhưng khi mùa khô nước cạn không đủ cung cấp cho người dân. Công trình trong nhiều tháng liền không hoạt động dẫn đến hỏng hóc, lâu dần hoang phế, bỏ hoang.
Việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch NTTT thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với khu vực nông thôn, nhất là người dân các huyện miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho khu vực nông thôn, miền núi. Các công trình cấp nước sạch hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động không chỉ gây lãng phí vốn đầu tư mà còn làm giảm niềm tin của người dân.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có liên quan cần nhanh chóng khắc phục tình trạng này. Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch NTTT, có quy mô lớn, công nghệ xử lý hiện đại, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững.
Bài ảnh: BẢO NGỌC
TIN, BÀI LIÊN QUAN: