Các xã nông thôn mới ở miền núi: Loay hoay giữ chuẩn

14:30, 01/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Người dân các xã miền núi chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp để phát triển kinh tế, trong khi điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn. Đó cũng là thách thức của các địa phương miền núi trong quá trình duy trì, giữ vững các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM).
 
[links()]
 
Lo sụt giảm tiêu chí 
 
Suốt hành trình xây dựng và được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2019, chính quyền và nhân dân xã Sơn Thành (Sơn Hà) không ngừng nỗ lực để hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí NTM. Là xã vùng cao, không chủ động được nguồn nước sản xuất nông nghiệp, trong khi trên 70% người dân phụ thuộc vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Cụ thể như, toàn xã có trên 1.800ha keo, gần 8.800ha mì và chăn nuôi trên 23,9 nghìn con gia cầm. Vì vậy, ngoài định hướng người dân thay đổi phương thức trồng rừng, chuyển từ 100% cây keo sang trồng xen kẽ cây bản địa, đảm bảo thời gian thu hoạch keo nguyên liệu, thì chính quyền địa phương cũng định hướng cho người dân trồng mì theo hình thức “lấy ngắn nuôi dài”. Hướng phát triển này đã mang lại “quả ngọt” cho người dân, với thu nhập bình quân đến nay đạt gần 40 triệu đồng/người/năm.
 
Thu nhập của phần lớn người dân các xã miền núi nhờ vào cây keo nên bấp bênh, kém bền vững, dẫn đến việc thực hiện và duy trì tiêu chí nông thôn mới gặp nhiều thách thức.
Thu nhập của phần lớn người dân các xã miền núi nhờ vào cây keo nên bấp bênh, kém bền vững, dẫn đến việc thực hiện và duy trì tiêu chí nông thôn mới gặp nhiều thách thức.
Về xã Sơn Thành hôm nay, ai cũng sẽ nhận ra những sự đổi thay rõ rệt. Những tuyến đường nhựa, đường bê tông phủ khắp ngõ, xóm và điện sáng rực về đêm. Hai bên đường là những ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, hiện đại. Nhiều trang trại tổng hợp vườn - ao - chuồng - rừng đang sản xuất hiệu quả.  Cuộc sống của người dân xã Sơn Thành thực sự đã được nâng lên. 
 
Tuy nhiên hiện nay, nỗi lo lớn nhất của chính quyền xã Sơn Thành là giữ chuẩn các tiêu chí NTM. Nhất là từ năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân. Các loại dịch bệnh trên cây trồng (vi rút khảm lá mì) và vật nuôi (dịch tả heo Châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò) xuất hiện và lây lan nhanh khiến người dân bị thiệt hại nặng nề, dẫn đến thu nhập giảm mạnh.
 
Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Võ Thị Xuân Liễu cho biết, không chỉ thu nhập, mà các tiêu chí về môi trường nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa và y tế cũng đối diện nguy cơ sụt giảm. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT hiện cũng chỉ đạt gần 20%. Môi trường nông thôn cũng chưa đảm bảo. Một số khu dân cư gia tăng số vụ vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội nên ảnh hưởng đến tiêu chí số 9 về hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội.
 
Còn xã Thanh An (Minh Long) cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình giữ chuẩn và duy trì chất lượng các tiêu chí NTM. “Xây dựng và đạt chuẩn NTM đã khó, giữ vững các tiêu chí lại càng khó. Không chỉ thu nhập của người dân giảm sút, hộ nghèo tăng thì tỷ lệ người dân ở xã tham gia BHYT rất thấp, nên chúng tôi lo sụt giảm các tiêu chí này”, Chủ tịch UBND xã Thanh An Đinh Ê Hoàng chia sẻ.
 
Theo Quyết định 861/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì, tất cả các xã ở miền núi nếu đạt chuẩn NTM sẽ xếp vào diện xã khu vực 1 (trước kia là khu vực 3). Do đó, khoản kinh phí 5 tỷ đồng/năm/xã mà Nhà nước hỗ trợ để chính quyền các địa phương mua và cấp thẻ BHYT cho người dân cũng sẽ không còn, dẫn đến tỷ lệ người dân tham gia BHYT sụt giảm mạnh.
 
Nỗ lực giữ vững các tiêu chí nông thôn mới
 
Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM tỉnh, đến thời điểm này có 8 xã thuộc 4 huyện miền núi Trà Bồng, Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà được công nhận đạt chuẩn NTM. Diện mạo các xã NTM ngày càng khởi sắc, cuộc sống người dân từng bước cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều địa phương loay hoay với việc duy trì và giữ chuẩn các tiêu chí, nhất là tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo... Hiện tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi của tỉnh chiếm 35,64% và cận nghèo là 14,2%.
 
Hiện nay, tiêu chí xác định hộ nghèo, cận nghèo theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 cao hơn so với Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, so với cuối giai đoạn 2016 - 2020, thì kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo trong đầu năm 2022 (thuộc đầu kỳ  giai đoạn 2021 - 2025) khá cao. Trong khi đó, giai đoạn 2021 - 2025, các huyện miền núi đăng ký 23 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM. Thực hiện mục tiêu này, chính quyền các địa phương đang quyết tâm, nỗ lực rà soát, đánh giá cụ thể mức độ đạt, chưa đạt các tiêu chí một cách thực chất, qua đó xây dựng lộ trình và giải pháp thực hiện phù hợp.
 
Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ cho rằng, để giữ vững các tiêu chí NTM, nhất là thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, tham gia BHYT, tổ chức sản xuất, môi trường... thì chính quyền cơ sở cần nỗ lực thực hiện các giải pháp để thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân. Qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Nhà nước cũng cần quan tâm, hỗ trợ có chiều sâu đối với các xã miền núi đã đạt chuẩn NTM, nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí để xây dựng NTM bền vững.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 

.