(Báo Quảng Ngãi)- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 24/12/2024 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) đến năm 2030 (Đề án 1639). Đây chính là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân triển khai thực hiện các giải pháp công nghệ hiện đại, tiên tiến trong công tác BVMT phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Đề án 1639 đưa ra các mục tiêu cụ thể như triển khai các nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực BVMT theo hướng làm chủ các công nghệ lõi, công nghệ sinh học tiên tiến sản xuất các chế phẩm xử lý chất thải trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, sản phẩm xử lý chất thải y tế; sản phẩm xử lý chất thải trong công nghiệp, y tế và sinh hoạt. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển tăng tối thiểu 10% doanh nghiệp sản xuất quy mô công nghiệp các chế phẩm sinh học sử dụng trong xử lý chất thải và dây chuyền thiết bị sản xuất các sản phẩm sinh học trong lĩnh vực BVMT. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất phòng thí nghiệm trọng điểm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực BVMT, tập trung vào phát triển các chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải...
Có 5 nhiệm vụ trọng tâm được Đề án 1639 đề ra gồm, phát triển KH&CN; tăng cường tiềm lực và thúc đẩy công nghiệp sinh học; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách; hợp tác quốc tế và truyền thông nâng cao nhận thức về công nghiệp sinh học trong lĩnh vực BVMT.
Trong đó, đối với nhiệm vụ phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp sinh học trong lĩnh vực BVMT, đề án sẽ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, thiết bị xử lý chất thải sản xuất, chế biến nông lâm, thủy sản; sản phẩm xử lý chất thải y tế; sản phẩm xử lý chất thải trong công nghiệp và sinh hoạt ở quy mô công nghiệp, ưu tiên công nghệ thu hồi năng lượng, tuần hoàn tái chế chất thải. Tiếp nhận, giải mã công nghệ mới, dây chuyền thiết bị từ các nước có nền công nghiệp sinh học tiên tiến để phát triển các công nghệ sinh học trong lĩnh vực BVMT ở quy mô công nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy doanh nghiệp tiếp nhận, làm chủ và phổ biến công nghệ sinh học hiện đại từ các nước tiên tiến trong xử lý chất thải ở quy mô công nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Đối với Quảng Ngãi, trong những năm qua, tỉnh luôn xác định quan điểm BVMT chính là điều kiện, nền tảng và là yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Vì vậy, trong quá trình mời gọi, thu hút dự án đầu tư, tỉnh luôn đặc biệt coi trọng yếu tố tác động môi trường. Nhất là tập trung thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường nhằm hướng đến phát triển bền vững.
Trở lại với Đề án 1639, việc triển khai thực hiện tốt các mục tiêu và 5 nhiệm vụ trọng tâm đề án đề ra sẽ tạo tiền đề vững chắc để thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững. Vậy nên, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân hãy nâng cao nhận thức, tích cực vào cuộc, cộng đồng trách nhiệm để hiện thực hóa chủ trương, chính sách thiết thực này.
PHẠM DANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: