(Baoquangngai.vn)- Hội thảo nhằm đánh giá toàn diện sau hơn 2 năm triển khai thực hiện dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Sáng 3/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo khoa học “Cộng đồng tham gia quản lý, bảo tồn hệ sinh thái, văn hóa bản địa và phát triển sinh kế bền vững trong tiến trình công nghiệp hóa tại KKT Dung Quất”. Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lê Quang Thích; Điều phối viên quốc gia UNDP Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Phạm Quang Sự; TS.Lâm Ngọc Tuấn - Chuyên gia Giám sát Dự án Chương trình tài trợ các dự án nhỏ - Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) chủ trì Hội thảo.
![]() |
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lê Quang Thích phát biểu đề dẫn hội thảo. |
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lê Quang Thích nhấn mạnh, trong bối cảnh công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra với quy mô lớn và tốc độ tương đối nhanh, Bình Sơn vẫn còn lưu giữ các hệ sinh thái đặc trưng, những giá trị văn hóa, tri thức bản địa rất có giá trị, tiêu biểu như: Hệ sinh thái rạn san hô nổi tại Gành Yến (Bình Hải) có khoảng 7 loài san hô và có nhiều rong mơ tạo nên hệ sinh thái khá đa dạng và là môi trường thuận lợi cho nhiều loài thủy sản sinh sống. Rừng ngập mặn bàu Cá Cái (Bình Thuận) với diện tích cây cóc trắng hơn 100 ha mang nhiều nét độc đáo về cảnh quan của một hệ sinh thái đầm ngập nước của vùng cửa sông ven biển.
Rừng dừa nước Cà Ninh (Bình Phước) có diện tích hơn 100ha, phát triển tươi xanh, tạo thành lá chắn phòng hộ ven sông, hạn chế nước mặn xâm nhập, bảo vệ đồng ruộng. Đặc biệt, làng gốm Mỹ Thiện (thị trấn Châu Ổ) có từ hơn 200 năm trước với sản phẩm gốm có cốt bằng đất sét, được nung qua 2 lần lửa với màu sắc độc đáo được tạo ra từ men bí truyền và phương thức canh lửa cho lò nung.
Xuất phát từ đó, giữa năm 2022, UNDP, UBND huyện Bình Sơn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở VH-TT&DL đã tiến hành khảo sát, tham vấn cộng đồng, hình thành ý tưởng một dự án khoa học đầy tính thực tiễn, độc đáo hướng đến thúc đẩy sự hài hòa giữa các yếu tố sinh thái, xã hội, phát triển công nghiệp và tìm ra giải pháp sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn.
Đến cuối năm 2022, Dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” được UBND tỉnh phê duyệt có sự tài trợ của UNDP và giao Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì, phối hợp triển khai tại các xã: Bình Hải, Bình Thuận, Bình Phước và thị trấn Châu Ổ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá toàn diện sau hơn 2 năm triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, phân tích tính kế thừa, phát huy những kết quả của dự án. Từ đó nghiên cứu việc nhân rộng mô hình cộng đồng tham gia quản lý, bảo tồn hệ sinh thái, văn hóa bản địa và phát triển sinh kế bền vững trong tiến trình công nghiệp hóa tại KKT Dung Quất và tạo hiệu ứng lan tỏa trong phạm vi toàn tỉnh nói chung, huyện Bình Sơn nói riêng.
![]() |
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lê Quang Thích và Điều phối viên quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Nguyễn Thị Thu Huyền tặng Giấy khen và hoa cho các chuyên gia dự án. |
Dịp này, UNDP và Cơ quan chủ trì dự án tặng Giấy khen và hoa cho các chuyên gia dự án, các Tổ cộng đồng và lãnh đạo các địa phương đã có thành tích trong triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả dự án.
Tin, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: