Sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP

15:52, 17/07/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) đã xây dựng thành công mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hành Nhân (Nghĩa Hành), với diện tích 1ha, gồm 6 hộ dân tham gia; thời gian thực hiện từ tháng 1/2024. Giống bưởi da xanh có nguồn gốc từ miền Nam và được trồng tại địa phương từ năm 2017. Để thực hiện quy trình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP tại Quảng Ngãi, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) đã áp dụng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP TCVN11892-1:2017.

Bưởi da xanh thu hoạch tại hộ dân tham gia mô hình.
Bưởi da xanh thu hoạch tại hộ dân tham gia mô hình.

Giáo sư Hoàng Thị Thái Hòa - Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) cho biết, qua các số liệu thu được, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP giúp cây bưởi da xanh sinh trưởng, phát triển và đạt năng suất cao hơn so với vườn đối chứng của nông dân. Tất cả các chỉ tiêu về dư lượng kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật trong quả bưởi ở mô hình VietGAP đạt tiêu chuẩn quy định. Đây là sản phẩm trái cây đầu tiên của huyện Nghĩa Hành đạt tiêu chuẩn VietGAP. 

Kết quả theo dõi cho thấy, tốc độ tăng trưởng từ khi kết thúc thu hoạch vụ trước đến 74 ngày sau, cây trong mô hình nông dân có đường kính tán là 4,07m, nhỏ hơn 0,2m so với cây trong mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau 164 ngày, tốc độ tăng trưởng của cây trong mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP tăng thêm 0,8m, lớn hơn so với cây trong vườn đối chứng. Số liệu về cành lộc của cây bưởi da xanh cho thấy chiều dài cành và số lá trên các cành mang lộc ở hai mô hình không khác nhau (chiều dài cành lộc khoảng 47 - 49cm và số lá trên cành lộc khoảng từ 53 - 55 lá/cành). Tuy nhiên, cành lộc ở mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP chắc, khỏe hơn so với cành lộc ở vườn đối chứng, với 1,6cm. Nguyên nhân là do các cây bưởi ở mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP được bón phân, chăm sóc và cắt tỉa cành hợp lý nên đảm bảo sự sinh trưởng, phát triển tốt.

Về năng suất và hiệu quả kinh tế, số quả còn lại trên cây sau 78 ngày đậu quả ở mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 20,6 quả/cây, nhiều hơn so với mô hình đối chứng (15 quả/cây). Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP giúp cây bưởi đạt số quả cao hơn, điều này quyết định năng suất của bưởi da xanh (17,51 tấn/ha ở mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP và 11,25 tấn/ha ở mô hình nông dân). Công ty CP Chứng nhận và kiểm nghiệm FAO đã cấp giấy chứng nhận sản phẩm “Bưởi da xanh” đạt tiêu chuẩn TCVN 11892 - 1:2017, phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong lĩnh vực trồng trọt của Hợp tác xã Nông nghiệp Hành Nhân. 

Đại biểu tham quan mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hành Nhân (Nghĩa Hành).
Đại biểu tham quan mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hành Nhân (Nghĩa Hành).

Mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP giúp nâng cao giá trị nông sản trên thị trường, kiểm soát tình trạng sản phẩm kém chất lượng, truy xuất thông tin vùng trồng. Qua đó, mở ra hướng phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: ANH KHUÊ


 

Xuất bản lúc: 15:52, 17/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.