Lan tỏa giá trị truyền thống của dòng họ

09:02, 26/03/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với tôn chỉ “Họ Lê một nhà - Gần xa kết nối”, Hội đồng họ Lê Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi chú trọng hoạt động tri ân tổ tiên, hướng về nguồn cội, chăm lo khuyến học, khuyến tài; giữ gìn, lan tỏa giá trị truyền thống của dòng họ.

Hướng về cội nguồn

Mùa xuân năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã đặt chân đến vùng đất Quảng Ngãi, cụ thể là động Hàng Đô, nay là thôn Vạn Tường, xã Bình Hải (Bình Sơn). Khi cuộc Nam chinh đang diễn ra quyết liệt, vua Lê Thánh Tông đã chọn vịnh Dung Quất làm điểm dừng chân để thị sát, chuẩn bị lực lượng cho những chiến dịch quân sự đầy cam go phía trước. Sự hiện diện của vua Lê Thánh Tông tại Quảng Ngãi, không chỉ là dấu ấn mở mang bờ cõi, mà còn là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của vùng đất này.

 "Không chỉ luôn bảo ban con cháu khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sống ân tình, nhân nghĩa, dòng họ Lê Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi còn chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài. Điều đó đã trở thành mạch nguồn nuôi dưỡng, khơi dậy tinh thần hiếu học và giữ gìn được giá trị tốt đẹp của dòng họ". 

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh 
TRẦN TẤN CHÂU

Ghi nhận công đức của Đức minh quân Lê Thánh Tông đã chọn vùng đất Vạn Tường để mở cõi về phía nam, Hội đồng họ Lê Việt Nam cùng Hội đồng họ Lê Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã dựng bia tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử Lê Thánh Tông, ở thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, trong Lễ Húy kỵ lần thứ 525 Đức vua Lê Thánh Tông (năm 2022).

Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi Lê Hoài Thạnh cho biết, với phương châm của dòng họ Lê là tri ân tổ tiên, hướng về cội nguồn, Hội đồng họ Lê Việt Nam và Hội đồng họ Lê Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi luôn ghi nhớ công lao to lớn của Đức vua Lê Thánh Tông. Lễ Húy kỵ hằng năm là sự kiện quan trọng thể hiện sự gắn kết của dòng họ, sự kiện đã kết nối giữa quá khứ và hiện tại, gắn kết giữa các gia đình, dòng họ tiếp tục phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông.

Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng họ Lê Việt Nam, trong năm 2025, Hội đồng họ Lê Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi tiến hành xã hội hóa việc xây dựng Đền thờ vua Lê Thánh Tông. Đền thờ được xây dựng ngay cạnh Bảo tàng Chiến thắng Vạn Tường và Nghĩa trang Liệt sĩ Vạn Tường, tạo nên quần thể các công trình văn hóa, lịch sử. Nơi đây sẽ trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ. “Đặc biệt, việc xây dựng đền thờ Đức minh quân Lê Thánh Tông sẽ cố gắng hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 555 năm - Ngày Đức vua Lê Thánh Tông đặt chân đến Quảng Ngãi để mở mang bờ cõi về phía nam”, ông Thạnh chia sẻ.

Phát huy truyền thống hiếu học

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Ban khuyến học - khuyến tài của dòng họ, có quy chế khen thưởng cho con cháu học giỏi đạt giải từ cấp huyện, tỉnh, quốc gia, quốc tế; học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng; học sinh vượt khó vươn lên học tập; con cháu đạt các danh hiệu học hàm, học vị cấp Nhà nước và quốc tế được báo công trước bàn thờ tổ tiên và ghi danh vào sổ vàng của dòng họ.

Ngoài ra, trong các dịp giỗ Tổ, tế xuân, tế thu của các nhà thờ họ Lê, đa số các hội đồng gia tộc đều tổ chức trao học bổng khuyến tài - khuyến học cho con cháu dòng họ mình. Đây là truyền thống của công tác khuyến học, khuyến tài của dòng họ Lê có từ lâu trên quê hương núi Ấn, sông Trà.  

Vợ chồng ông Lê Ngọc Hoàng, ở thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh), luôn tự hào về thành tích học tập của các con.
Vợ chồng ông Lê Ngọc Hoàng, ở thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh), luôn tự hào về thành tích học tập của các con.

Năm 2024, Hội đồng họ Lê Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ vinh danh công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư năm 2023 cho PGS, TS Lê Thanh Long, ở xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), hiện là Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh); trao quà động viên tinh thần em Lê Thảo Duyên, ở xã Tịnh Minh, hiện là sinh viên năm nhất Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), với số tiền 10 triệu đồng; trao 20 chiếc xe đạp cho 20 học sinh là con cháu họ Lê trong tỉnh có hoàn cảnh khó khăn...

Gia đình ông Lê Ngọc Hoàng, ở thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh), là gia đình hiếu học tiêu biểu của họ Lê Việt Nam huyện Sơn Tịnh. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên ông Hoàng thấm thía nỗi vất vả, cực nhọc của người nông dân. Vì thế, dù khó khăn thế nào, vợ chồng ông Hoàng cũng cố gắng cho con học đến nơi đến chốn. “Vừa làm đất ruộng của gia đình, cứ nghe ai kêu làm gì, vợ chồng tôi cũng làm. Các con bên cạnh việc học còn biết phụ giúp ba mẹ, cắt cỏ cho bò. Có lúc tưởng chừng như không kham nổi, vậy mà vất vả rồi cũng qua, con cái hiếu học và thành đạt”, ông Hoàng chia sẻ.

Lần giở những tấm bằng, giấy khen của các con, ông Hoàng tự hào, không giấu được niềm vui khi nói về các con. Con trai đầu Lê Văn Hậu hiện công tác tại Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi. Tiếp đến là anh Lê Văn Trường, hiện là Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình giao thông (Kon Tum). Con trai út là PGS, TS Lê Văn Phúc, hiện là Phó Trưởng khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông vận tải (TP.Hồ Chí Minh).

Bài, ảnh: TRUNG ÂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:02, 26/03/2025

Ý kiến bạn đọc


.