Quản lý dạy thêm, học thêm: Xây dựng môi trường học tập lành mạnh

11:03, 20/02/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2 vừa qua. Thông tư ra đời nhận được sự đồng tình cao từ phía phụ huynh, học sinh (HS) và xã hội. 

Phụ huynh đồng tình, nhưng cần được hỗ trợ

Thông tư 29 quy định các trường không tổ chức dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, TD - TT, rèn luyện kỹ năng sống. Thông tư 29 cũng nêu rõ những hoạt động dạy thêm, học thêm đúng quy định; hoạt động nào không đúng quy định để chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện.

Một tiết học của học sinh Trường THCS thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ).
Một tiết học của học sinh Trường THCS thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ).

Theo ý kiến của phần lớn phụ huynh, quy định về dạy thêm, học thêm đã hạn chế được tình trạng HS không muốn cũng phải đi học thêm, nhất là các buổi chiều ở trường đối với bậc THCS, THPT. Phụ huynh cũng đồng tình với quy định không tổ chức dạy thêm các môn văn hóa đối với học sinh tiểu học bởi các em đã học 2 buổi/ngày ở trường. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh còn khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên (GV) nên chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày; dạy học 2 buổi/ngày đối với một số khối lớp hoặc dạy 2 buổi/ngày nhưng không tổ chức bán trú... Bất cập này dẫn đến những khó khăn nhất định cho phụ huynh HS, nhất là đối với phụ huynh công tác xa nơi ở.

Chị N, có con học tại Trường Tiểu học số 1 Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ, vợ chồng tôi làm việc tại KCN VSIP Quảng Ngãi. Trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và có tổ chức bán trú đối với khối lớp 1. Những khối lớp còn lại chỉ học 1 buổi/ngày do điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Vì vậy, tôi gửi con nhờ cô giáo chủ nhiệm đón về trông nom, chăm sóc và hướng dẫn cháu học trong buổi còn lại. Từ ngày Thông tư 29 có hiệu lực, mọi thứ đảo lộn, tôi rất lo lắng vì không có chỗ gửi con. “Tôi rất đồng tình với những quy định của Thông tư 29. Tuy nhiên, tôi mong ngành giáo dục, địa phương và nhà trường có hướng hỗ trợ những phụ huynh khó khăn trong việc đưa đón con”, chị N thổ lộ.

Các nhà quản lý giáo dục cho rằng, các trường tiểu học có thể dựa vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ GV để tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghệ thuật, TD - TT, rèn luyện kỹ năng sống cho HS theo đúng nguyện vọng của phụ huynh, nhất là những gia đình gặp khó khăn trong việc đưa đón, quản lý con. Như vậy, các trường vừa hỗ trợ phụ huynh trong việc chăm sóc, rèn luyện kỹ năng HS, vừa giúp các em phát triển một cách toàn diện, thay vì dạy thêm, học thêm các môn văn hóa gây quá tải cho HS.

Phát triển kỹ năng tự học

Nhiều phụ huynh cho biết, do chương trình học, kiểm tra, đánh giá nặng nề dẫn đến việc các con phải học thêm để đảm bảo kiến thức cũng như cải thiện điểm số. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo Trần Quốc Bảo, Chương trình Giáo dục phổ thông mới hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực người học là chính. Hình thức kiểm tra, đánh giá HS cũng đa dạng hơn. Chẳng hạn như, kiểm tra thường xuyên đã được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: Hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập, thay vì chỉ kiểm tra miệng đầu giờ như trước đây. Kết quả kiểm tra của HS được phản ánh thực tế hơn, hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực, tạo hứng thú cho người học. Số lượng bài kiểm tra định kỳ giảm xuống còn 4 bài/năm, thay vì có môn học từ 5 - 6 bài kiểm tra/học kỳ như trước đây. Nhờ đó, HS giảm được áp lực trong kiểm tra, đánh giá và có thời gian tập trung cho việc học tốt hơn.

Học sinh cần phát triển kỹ năng tự học để rèn luyện các phẩm chất.
Học sinh cần phát triển kỹ năng tự học để rèn luyện các phẩm chất.

Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn HS đồng tình với những quy định của Thông tư 29. Em Nguyễn Đức Hiếu, lớp 8A5, Trường THCS Trần Hưng Đạo cho rằng, học thêm là nhu cầu chính đáng của HS. Thông tư 29 có hiệu lực giúp HS mạnh dạn chọn GV phù hợp để theo học. Hơn nữa, thông tư góp phần thúc đẩy HS nâng cao ý thức tự học. “Năm lớp 6, em chỉ đạt thành tích học tập loại giỏi. Đến lớp 7, em nhận ra rằng, ngoài việc được thầy, cô giáo dạy dỗ, thì ý thức tự học góp phần quan trọng vào thành tích học tập của mỗi HS. Vì vậy, em chăm chỉ học bài trước khi đến lớp, làm tất cả bài tập được giao; trên lớp, em tập trung nghe thầy, cô giáo giảng bài và cố gắng ghi nhớ”, em Hiếu cho hay.

Sở GD&ĐT đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc, phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện, thị xã về việc tăng cường chỉ đạo, quản lý dạy thêm, học thêm. 

Hiện nay, có một thực tế là, không ít HS “quá tải” khi tham gia quá nhiều hoạt động như học chính khóa, học trái buổi, tham gia các hoạt động trải nghiệm và học thêm... Điều này dẫn đến sự mất cân bằng giữa việc học và giải trí, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của HS. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần cân nhắc việc cho con học thêm, nhất là sự kỳ vọng phải phù hợp với năng lực từng HS, tránh tạo áp lực, gây sức ép cho con; đồng thời, khuyến khích con nâng cao ý thức tự học, tự rèn luyện...

Theo các nhà quản lý giáo dục, những năm qua, các trường đã có nhiều đổi mới trong kiểm tra, đánh giá đối với HS, bao gồm đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ, thi tuyển sinh... phù hợp với nội dung, yêu cầu  của Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, để giảm tải áp lực học thêm, điều quan trọng vẫn là sự đổi mới phương pháp dạy học của GV để việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới thực sự có hiệu quả, thu hút HS. Đồng thời, tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học để các bài kiểm tra năng lực đầu vào của các trường đại học phù hợp với yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 11:03, 20/02/2025

Ý kiến bạn đọc


.