Siết chặt việc dạy thêm, học thêm

21:54, 13/01/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29). Thông tư có nhiều điểm mới, nhằm góp phần quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. 

Thông tư 29 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/2/2025, thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD&ĐT.

Nhiều điểm mới

Thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh (HS), học viên có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ các em đồng ý. Nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc HS học thêm. Việc dạy thêm, học thêm phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của HS; không làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên (GV). “Thông tư 29 có nhiều điểm mới như việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền của HS; các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của HS đối với HS mà GV đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường... Thông tư góp phần quan trọng vào việc hạn chế việc dạy thêm tràn lan, đưa hoạt động dạy thêm vào khuôn khổ dưới sự quản lý của Nhà nước”, Trưởng phòng GD&ĐT TX.Đức Phổ Hoàng Hải cho biết.

Với những điểm mới quan trọng, thông tư tạo sự đồng thuận cao trong dư luận. Thông tư quy định các trường được tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường nhưng không được thu tiền của HS và chỉ dành cho các đối tượng HS có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; HS được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng HS giỏi; HS lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh vào lớp 10, ôn thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Như vậy, việc dạy thêm trong nhà trường được siết chặt hơn và không thu tiền HS.

Cô và trò Trường Tiểu học và THCS thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) trong một tiết sinh hoạt chuyên môn.
Cô và trò Trường Tiểu học và THCS thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) trong một tiết sinh hoạt chuyên môn.

Thông tư 29 quy định các trường không tổ chức dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, TD - TT, rèn luyện kỹ năng sống. Điều này đã được quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT. Tuy nhiên, trên thực tế, một số đơn vị, cá nhân vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. “Học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày nên các em không cần phải học thêm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, phụ huynh vô tình tạo điều kiện để việc dạy thêm trái quy định ở cấp tiểu học diễn ra, làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của các em”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) Võ Thành Nho nhấn mạnh.

Trên thực tế, nhiều phụ huynh làm công nhân ở các KCN, phụ huynh công tác ở xa nơi ở và thời gian tan trường quá sớm... nên nhiều phụ huynh không thể đón con đúng giờ. Vì vậy, các phụ huynh nhờ GV kèm cặp con trong thời gian chờ phụ huynh đến đón. “Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học. Vì vậy, chương trình chính khóa đã đáp ứng đầy đủ nội dung, kiến thức cho HS. Trường hợp phụ huynh gặp khó khăn trong việc đưa đón, quản lý con thì có thể đăng ký cho các em tham gia các câu lạc bộ năng khiếu, rèn luyện kỹ năng sống tại trường thay vì cho con học thêm văn hóa. Như vậy, phụ huynh vừa giải quyết được những khó khăn trong việc đưa đón, quản lý con em vừa giúp các con phát triển một cách toàn diện”, cô giáo Ngô Thị Nhung - Chủ nhiệm lớp 4C, Trường Tiểu học và THCS thị trấn La Hà, chia sẻ.

Học thêm là nhu cầu chính đáng, nhưng khó quản lý

Những năm qua, để đảm bảo chất lượng đầu ra cho HS lớp 9, các trường tổ chức ôn tập cho HS từ rất sớm. Vì vậy, các trường cần kinh phí lớn để chi trả cho GV và các khoản chi phí khác. Tuy nhiên, Thông tư 29 cấm việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường có thu phí nên lãnh đạo các trường băn khoăn, lo lắng. “Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, tôi cho rằng việc ôn tập cho HS lớp 9 chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là điều rất cần thiết nhằm hệ thống kiến thức lại cho HS, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định, hầu hết GV của tổ đã đảm bảo đủ 19 tiết dạy/tuần. Nếu tổ chức ôn tập cho HS thì sẽ vượt quá số tiết quy định nên nhà trường phải trả tiền ngoài giờ cho GV. Điều này đồng nghĩa với việc nhà trường phải có khoản kinh phí lớn để tổ chức ôn tập cho HS”, Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên, Trường Tiểu học và THCS thị trấn La Hà Ngô Trọng Hiếu, cho biết.

Theo chị Nguyễn Thị Lệ Trang, có con học lớp 7 tại một trường THCS trên địa bàn tỉnh, mỗi HS có năng lực khác nhau. Trong khi đó, phụ huynh không có kỹ năng sư phạm nên chị quyết định tìm thầy cho con học thêm ngoài nhà trường. Chị Trang mong các trường và GV thực hiện nghiêm túc chủ trương chung để giảm áp lực cho HS, phụ huynh trong việc học thêm trong và ngoài nhà trường.

Trên thực tế, công tác quản lý GV dạy thêm ngoài nhà trường rất khó. “Hằng năm, hiệu trưởng các trường cho GV ký cam kết không dạy thêm trái quy định, nhưng GV vẫn tổ chức ở nhà bằng nhiều hình thức như khai dạy kèm con, cháu dưới 10 em. Phòng GD&ĐT không thể kiểm tra vì theo phân cấp quản lý Nhà nước trên địa bàn là UBND xã, phường”, ông Hoàng Hải nhấn mạnh.

Thầy Võ Thành Nho cho rằng, các nhà quản lý giáo dục phần lớn đồng tình với những điểm tích cực mà Thông tư 29 mang lại. Ngay khi thông tư vừa được ban hành, nhà trường dừng mọi hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường để chờ hướng dẫn của cấp trên. Tuy nhiên, vấn đề quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường sẽ rất khó khăn. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát phải có sự vào cuộc của toàn xã hội, hệ thống chính trị, chính quyền, đoàn thể. Ngành giáo dục cũng cần giảm áp lực thi cử để các trường không chạy theo thành tích, phụ huynh, HS bớt áp lực.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 21:54, 13/01/2025

Ý kiến bạn đọc


.