Nữ viện sĩ quê Quảng Ngãi

15:43, 17/01/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trẻ trung, mảnh mai và khiêm tốn, nhưng GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai được đồng nghiệp đánh giá cao về năng lực nghiên cứu khoa học. Chị là người  đặt viên gạch đầu tiên cho ngành hóa dược tại Đại học (ĐH) Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Mới đây, chị được bầu chọn là một trong số 74 viện sĩ mới của Viện Hàn lâm Khoa học thế giới (TWAS) và là một trong hai giáo sư ở Việt Nam vừa ghi tên mình vào danh sách này.

Rẽ lối và dấn thân

“Tôi tốt nghiệp ĐH và thạc sĩ chuyên ngành hóa tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.Hồ Chí Minh. Lúc đầu chủ yếu học là để đi dạy. Cho đến khi đi nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Y dược Toyama (Nhật Bản) thì trong tôi mới định hình rõ nét việc nghiên cứu khoa học và tôi dấn thân vào con đường này từ ngày đó, nhưng lại rẽ sang lĩnh vực hóa dược”, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai kể.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai.

Năm 2007, sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh trở về nước, TS Nguyễn Thị Thanh Mai nhận thấy thời điểm này lĩnh vực hóa dược ở Việt Nam chưa phát triển, trong khi nguồn nguyên liệu tự nhiên vô cùng phong phú. Vì vậy, chị quyết định dấn thân để phát triển ngành khoa học này. Chị đề xuất thành lập bộ môn chuyên ngành hóa dược tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh). Vừa giảng dạy, chị vừa huy động nguồn lực đầu tư phát triển phòng thí nghiệm để phục vụ việc nghiên cứu. Các nghiên cứu của chị cùng cộng sự chủ yếu tập trung vào lĩnh vực phát hiện thuốc từ dược liệu Việt Nam.

Đến nay, riêng GS. TS Nguyễn Thị Thanh Mai đã có 14 công trình nghiên cứu được nghiệm thu, gồm 10 đề tài cấp bộ, 4 đề tài cấp tỉnh. Trong đó, có hai công trình nghiên cứu đang được ứng dụng là sản phẩm hỗ trợ ung thư đường tiêu hóa và viêm khớp từ dược liệu trong nước. Cùng với đó, chị và các cộng sự đã có khoảng 80 bài báo, công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí uy tín của quốc tế, chủ yếu là công bố nghiên cứu các loại thuốc mới từ dược liệu tự nhiên trong nước với những cấu trúc mà trên thế giới chưa từng biết đến. Song hành với các công trình nghiên cứu, nữ GS tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học cùng chuyên ngành hoặc chuyên ngành gần để tiến hành nghiên cứu chuyên sâu và trở thành “Nhóm nghiên cứu mạnh” của Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.

Lấy nguyên liệu đời sống để phục vụ đời sống

“Việc hiện thực hóa các kết quả nghiên cứu để đóng góp nhiều hơn cho cuộc sống là cả một hành trình dài đầy khó khăn, thách thức nhưng chúng tôi vẫn luôn kiên trì và đeo đuổi”, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai chia sẻ. Nữ GS đã chọn hướng nghiên cứu ứng dụng, đó là con đường ngắn nhất để đưa các kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra phục vụ đời sống. Giáo sư Mai kể, trong một lần đi Tây Nguyên tìm nguồn dược liệu mới, tôi và đồng nghiệp được những người nuôi ong mật cho biết nọc ong có khả năng điều trị viêm khớp. Lập tức, tôi cùng nhóm nghiên cứu tìm cách chế ra bộ lấy nọc ong để nghiên cứu về tác dụng của nọc ong trong điều trị viêm khớp và ra được kết quả rất có giá trị trong định hướng thuốc điều trị viêm khớp.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai hướng dẫn sinh viên thực hành.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai hướng dẫn sinh viên thực hành.

Trong quá trình tìm những dược liệu của Việt Nam, nữ GS cùng đồng nghiệp đã phát hiện củ ngải bún có tác dụng kháng ung thư tụy mạnh. Sau đó, nhóm nghiên cứu tiếp tục phát hiện trong củ ngải bún 12 hợp chất có cấu trúc mới mà trên thế giới chưa có hoạt tính kháng ung thư tụy. Ngoài ra, GS Mai phát hiện củ ngải bún chứa chất có tác dụng bảo vệ viêm loét dạ dày rất tốt nên đã phối hợp với Sở KH&CN tỉnh An Giang nghiên cứu ra sản phẩm bột nano từ củ ngải bún để hỗ trợ điều trị ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư tụy. Đồng thời, phối hợp với Sở KH&CN TP.Hồ Chí Minh nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm cao chiết từ củ ngải bún chứa hàm lượng hoạt chất cao. Những thử nghiệm trên động vật đều cho kết quả an toàn và có tác dụng điều trị viêm loét dạ dày rất tốt.

Người con miền Ấn Trà
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai sinh năm 1974, trong gia đình có truyền thống cách mạng. “Quê tôi ở xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Cha tôi đi tập kết năm 1954 rồi sau đó trở lại miền Nam hoạt động cách mạng ở miền Đông Nam bộ”, giáo sư Mai kể. Dù bề bộn với công việc, nhưng giáo sư vẫn mong có nhiều cơ hội để đóng góp tích cực cho quê hương Quảng Ngãi như bao người con của miền Ấn - Trà.

Từ những nghiên cứu về sản phẩm từ loài ong nuôi ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu được nhận Giải Quả cầu vàng năm 2017 và Giải thưởng Sáng tạo TP.Hồ Chí Minh năm 2019. Riêng GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 dành cho nhà khoa học nữ xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn, đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống. Với những công trình nghiên cứu, giảng dạy và nhiều phát hiện khoa học có giá trị, chị được phong hàm phó GS (năm 2014) rồi GS (năm 2021). Tháng 6/2024, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Trước đó, nữ GS.TS là Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh).

Bài, ảnh: ĐẠI DƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:43, 17/01/2025

Ý kiến bạn đọc


.