(Báo Quảng Ngãi)- Tháng Chín, khi mùa thu buông nắng hồng ươm mái tóc trẻ thơ, nắng thu trải mênh mông lên mọi miền quê yêu dấu. Bên lối đi cúc vàng chúm chím cười dưới giọt sương mai như những viên ngọc lung linh. Gió dịu dàng lướt nhẹ đưa tâm hồn bay bổng lên tận những tầng mây xanh. Từng đàn chim muôn màu sắc, líu lo, líu lo hót vang chào các cô bé, cậu bé tung tăng trong những bộ quần áo mới.
Ngày khai giảng năm học đã đến!...
Trong không khí đầy sức sống ấy, tôi mừng vui đưa cháu ngoại đến trường. Cháu tôi, một đứa trẻ hoạt bát, xe vừa dừng, cháu đã giục: “Ông ơi! Nhanh lên...”.
Âu yếm nhìn đứa cháu thân yêu, lòng tôi thầm nghĩ, đây là buổi học đầu tiên để cháu bắt đầu hành trình bay cao, bay xa vào thế giới cuộc đời mênh mông. Sân trường hân hoan, rộn rã với cả một đàn cò trắng đang thi nhau thả tuổi thần tiên vào không gian náo nhiệt. Những cái ôm nhau hạnh phúc sau những ngày hè xa vắng. Những ánh mắt lạ lẫm khi mới lần đầu bắt gặp nhau trong nắng thu tươi đẹp, ngạc nhiên rồi vỡ òa vui sướng trong những vòng tay đầy nhân ái của thầy cô.
Học sinh Trường THCS Ba Vì (Ba Tơ) dự Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025. Ảnh: NGỌC ĐỨC |
Giữa bao hân hoan của ngày khai giảng ấy tôi chợt bắt gặp đôi nét lo sợ, rụt rè trên gương mặt trẻ thơ lần đầu tiên đi học. Tôi chợt nhớ, 25 năm trước tôi đưa con gái tới trường. Cũng như cô bé ấy, nắm chặt áo cha, ngỡ ngàng nhìn cảnh vật xung quanh, thứ gì cũng lạ lẫm. Cô giáo đưa tay đón con gái vào lớp, cô dịu hiền như nàng tiên... Rồi mọi âu lo, sợ hãi của cô con gái tuổi thần tiên dần qua đi sau cánh cổng trường. Con gái lớn lên. Giờ tôi đưa cháu ngoại đến trường...
Rồi tôi thả tâm trí lang thang về với những ngày đầu tháng 9 ở quê nhà cách đây tròn 55 năm. Năm đó, chị tôi làm công tác ở Đoàn xã, chị tất tưởi chạy về đầu ngõ, vừa chạy chị vừa khóc, thông báo: “Cha ơi, mẹ ơi!... Bác Hồ mất rồi!”. Cả nhà tôi khóc. Họ kéo nhau ra ở “sân chào cờ” của xóm, nhiều bà con tụ tập rất đông ở đó. Tất cả đều khóc, khóc tiếc thương vật vã. Tôi nhớ, có nhiều người mang băng đen, chít khăn trắng, ai nấy nước mắt giàn giụa. Trời mưa liên tục mấy ngày liền không ngớt. Sau này lớn lên tôi mới biết, đó là những ngày đại quốc tang, ngày truy điệu Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc.
Năm đó tôi vào lớp 1. Không khí tang thương như đang bao trùm lên toàn dân tộc, lên mọi người dân Việt Nam chân chính. Cha đưa tôi đến trường, tôi không còn nhớ buổi khai trường năm ấy đã diễn ra như thế nào. Chỉ mang máng nhớ về mái trường lợp tranh, vách đất, có lá cờ đỏ quấn dải băng đen buồn lặng trên đỉnh cột cờ. Đó là năm 1969, trường núp dưới những tán cây cổ thụ um tùm, bao quanh trường nhỏ là những luỹ đất cao để chắn bom đạn giặc.
Những đứa trẻ nông thôn lứa chúng tôi ngày ấy hầu hết chân đất, đầu trần, áo thô, quần cộc, không đủ ấm trong những ngày đông mưa phùn, gió bấc, rét cắt da cắt thịt, cơm độn ngô, khoai, sắn... Tuy không được no, nhưng lòng tràn đầy mơ ước. Cuộc sống đã làm tôi quên đi rất nhiều điều được dạy nhưng mãi mãi biết ơn những cô thầy đã thổi vào trái tim thơ bé của tôi ngọn lửa khát vọng, ước mơ vươn tới.
Tuổi thơ tôi trải qua với thông điệp, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước, với ước mơ vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào/ Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”, và “còn non, còn nước, còn người, thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”.
Quả thật là như vậy, “thời gian là phép lạ thường ngày”, hơn 60 năm cuộc đời, tôi càng cảm nhận mình thật may mắn, hạnh phúc biết bao khi được sống trong điều kiện đất nước hòa bình, ấm no, giàu mạnh của ngày hôm nay.
Tôi sung sướng ngắm nhìn cháu ngoại và những bạn cùng lớp đẹp hơn cả bức tranh Đông Hồ, ngoan ngoãn vâng lời cô giáo bước vào lớp 1. Tôi hình dung về một thế giới mai sau, những đứa trẻ này sẽ trở thành những nhân tài, những người lao động giỏi để tiếp tục viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng. Đất nước ta, nhân dân ta sẽ tạo ra những thế hệ mới lớn lên, đồng hành với tương lai của dân tộc, đồng hành với tương lai hạnh phúc bằng những lớp lớp thế hệ nối tiếp nhau.
Tôi chợt giật mình khi nhận ra mọi người đã về hết. Tôi cho xe chạy chầm chậm trên con phố nhỏ, trong lòng ngập tràn một niềm hân hoan khó tả. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi những cảm xúc thật đẹp đẽ về những ngày khai giảng.
NGUYỄN BÁ THUYẾT
TIN, BÀI LIÊN QUAN: