Khơi dậy đam mê nghiên cứu khoa học

14:38, 23/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 9 năm triển khai, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh (gọi tắt là Cuộc thi) đã thu hút đông đảo thanh thiếu niên, nhi đồng trên toàn tỉnh tham gia. Thông qua cuộc thi, không những giúp các em được trải nghiệm mà nhiều ý tưởng, sáng kiến từ cuộc thi được ứng dụng cao trong học tập và đời sống.

Phát triển tư duy

Cuộc thi cấp tỉnh lần thứ 9, năm 2024 có 116 đề tài dự thi. Trong đó, những đơn vị có số lượng đề tài dự thi nhiều như: Hội đồng Giám khảo (HĐGK) huyện Mộ Đức với 36 đề tài dự thi, HĐGK TP.Quảng Ngãi có 31 đề tài, HĐGK huyện Bình Sơn có 14 đề tài, HĐGK TX.Đức Phổ với 11 đề tài... Kết quả, có 65 đề tài của các HĐGK đề nghị xét chung khảo.

Các thành viên Thường trực HĐGK đã phân tích, đánh giá, so sánh một cách hợp lý, khoa học, khách quan và thống nhất xét chọn 30 giải thưởng gồm: 1 giải Đặc biệt, 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 8 giải Ba và 15 giải Khuyến khích.

Xác định cuộc thi là cơ hội để học sinh (HS) phát triển tư duy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhiều trường THPT ở các địa phương như Mộ Đức, Bình Sơn, TX.Đức Phổ, TP.Quảng Ngãi đã quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí, nhân lực thành lập HĐGK cấp huyện. Đồng thời gửi nhiều đề tài có chất lượng tham gia cuộc thi cấp tỉnh và đạt nhiều giải cao.

Trưởng phòng GD&ĐT TX.Đức Phổ Hoàng Hải khẳng định, cuộc thi là sân chơi bổ ích, lý thú dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng. Qua đó khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của HS.  Đồng thời, giúp các em trau dồi, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, nghiên cứu khoa học của thanh thiếu niên, nhi đồng.

Em Võ Trung Nguyên, lớp 12A6, Trường THPT số 1 Đức Phổ (TX.Đức Phổ) giới thiệu đề tài “Robot trợ giúp người bị liệt sử dụng
 giọng nói tiếng Việt”.
Em Võ Trung Nguyên, lớp 12A6, Trường THPT số 1 Đức Phổ (TX.Đức Phổ) giới thiệu đề tài “Robot trợ giúp người bị liệt sử dụng giọng nói tiếng Việt”.

Cuộc thi cũng phù hợp với xu hướng dạy học hiện nay. Đó là lấy người học làm trung tâm. Hơn nữa, Chương trình Giáo dục phổ thông mới hình thành và phát triển cho HS 5 phẩm chất chủ yếu, 10 năng lực cốt lõi, trong đó có 3 năng lực chung: “Tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo”. Vì vậy, để thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy và học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, Phòng GD&ĐT TX.Đức Phổ khuyến khích các trường trên địa bàn hưởng ứng tham gia cuộc thi. Các em được hình thành ý thức, thói quen, phát triển các năng lực. Qua đó khơi dậy niềm đam mê và khát vọng nghiên cứu khoa học trong lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng.

Vận dụng trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Huỳnh Văn Tố, cuộc thi năm 2024 có số lượng đề tài tham gia nhiều nhất từ trước đến nay. Theo đánh giá của các HĐGK, hầu hết đề tài có thuyết minh trình bày rõ ràng, cụ thể và đi sâu vào phần quy trình kỹ thuật, mô tả cấu tạo, quá trình lắp ráp, vận hành của sản phẩm, mô hình theo yêu cầu Thể lệ cuộc thi.

Đa số đề tài có mô hình, sản phẩm vận hành tốt; có kèm theo mô tả chi tiết hình ảnh vận hành thực tế của mô hình, sản phẩm bằng video clip một cách trực quan và chi tiết. Điều đó chứng tỏ rằng, thí sinh có sự đầu tư nghiêm túc, sáng tạo. Hầu hết các đề tài tham gia có ý tưởng từ cuộc sống hằng ngày, phù hợp với điều kiện nghiên cứu của HS. Nhiều thí sinh đã vận dụng thành công trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm, tạo tính mới, sáng tạo và được HĐGK đánh giá cao.

Các em Đỗ Lê Chí Hùng, lớp 9D3 và Đỗ Lê Diễm Hằng, lớp 7B8, Trường THCS Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) trao đổi với giáo viên hướng dẫn trong quá trình thực hiện đề tài.
Các em Đỗ Lê Chí Hùng, lớp 9D3 và Đỗ Lê Diễm Hằng, lớp 7B8, Trường THCS Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) trao đổi với giáo viên hướng dẫn trong quá trình thực hiện đề tài.

Có mẹ làm trong lĩnh vực y tế, vì vậy, từ nhỏ, Võ Trung Nguyên, hiện là HS lớp 12A6, Trường THPT số 1 Đức Phổ (TX.Đức Phổ) đã tiếp xúc với nhiều trường hợp người bệnh khác nhau. Em nhận thấy, người bại liệt gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Sự thấu cảm với những hoàn cảnh ấy đã thôi thúc Nguyên triển khai các đề tài nghiên cứu hướng về người khuyết tật. Năm 2023, Nguyên thực hiện thành công đề tài “Phần mềm trợ giúp người khiếm thị điều khiển bằng giọng nói” và mang về giải Nhì tại cuộc thi cấp tỉnh lần thứ 8.

Tiếp nối thành công đó, Võ Trung Nguyên tiếp tục dự thi và xuất sắc mang về giải Đặc biệt tại cuộc thi cấp tỉnh lần thứ 9, năm 2024 với đề tài “Robot trợ giúp người bị liệt sử dụng giọng nói tiếng Việt”, dưới sự hướng dẫn của thạc sĩ Nguyễn Tùng Sinh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Đức Phổ.

Nguyên chia sẻ, em đặt tên cho sản phẩm là Robot ParaHelper với các tính năng như: Điều khiển các thiết bị điện tử trong nhà, trò chuyện... giúp người bại liệt tự tin hơn trong cuộc sống. Đồng thời, sản phẩm còn giúp họ tìm được niềm vui trong cuộc sống có phần tẻ nhạt của mình thông qua việc giải trí, tương tác với Robot ParaHelper. “Hiện nay, trí tuệ nhân tạo rất phổ biến. Vì vậy, việc tích hợp trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm là một tính mới, sáng tạo của đề tài, tạo tiền đề để phát triển và mở ra thời đại phát triển mới”, Nguyên thổ lộ.

Theo thạc sĩ Nguyễn Tùng Sinh, ngoài việc trang bị kiến thức, Trường THPT số 1 Đức Phổ luôn tạo điều kiện cho HS tham gia các hoạt động bổ trợ để rèn luyện kỹ năng, phát triển toàn diện. Những năm qua, trường có nhiều HS tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật và đạt giải cao. Đặc biệt, đề tài “Robot trợ giúp người bị liệt sử dụng giọng nói tiếng Việt” đã để lại ấn tượng cho HĐGK và tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục của trường.

Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 9, năm 2024 được phát động vào cuối năm 2023. Đến cuối tháng 7/2024, Thường trực Hội đồng giám khảo tổ chức đánh giá chung khảo, xét giải thưởng cuộc thi cấp tỉnh và xét đề tài tham dự Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20, năm 2024. Theo đó, có 15 đề tài được xét chọn tham gia Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20. Dự kiến lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 9 diễn ra vào tháng 11/2024.

Là một trong những trường ở trung tâm TP.Quảng Ngãi, nhiều năm nay, thầy và trò Trường THCS Chánh Lộ đã xuất sắc mang về những thành tích nổi bật tại cuộc thi các năm. Năm nay, nhóm HS Đỗ Lê Chí Hùng, lớp 9D3, cùng em gái Đỗ Lê Diễm Hằng, lớp 7B8, Trường THCS Chánh Lộ đã xuất sắc mang về giải Nhất tại cuộc thi cấp tỉnh lần thứ 9 với đề tài “Giải pháp giảm ùn tắc giao thông tại ngã tư đèn xanh đèn đỏ có ứng dụng trí tuệ nhân tạo”.

Nhóm được sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Hiệp - dạy môn Toán - Vật lý của trường. Theo cô Hiệp, ý tưởng thực hiện đề tài “Giải pháp giảm ùn tắc giao thông tại ngã tư đèn xanh, đèn đỏ có ứng dụng trí tuệ nhân tạo” của nhóm khá hay. Song, từ ý tưởng đến việc hoàn thành sản phẩm đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía HS, sự hướng dẫn của giáo viên, sự ủng hộ của gia đình và sự quan tâm, tạo điều kiện của nhà trường. “Nhóm đã có sự kết hợp và chia sẻ công việc phù hợp.

Đặc biệt, các em tự thực hiện đề tài là chính nên nhóm nắm bắt rất kỹ từng chi tiết của đề tài. Bên cạnh đó, các em có kỹ năng thuyết trình tốt và đề tài có tính khả thi nên được HĐGK đánh giá cao. Song, muốn đề tài áp dụng vào thực tiễn đòi hỏi phải tốn nhiều kinh phí, cũng như sự chung tay từ nhiều phía, vì đây chỉ là ý tưởng của HS”, cô Hiệp chia sẻ.

Có thể nói, sự ủng hộ của ba mẹ HS cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp thí sinh hoàn thành tốt ý tưởng. Chị Lê Trần Diễm Quý - mẹ cháu Chí Hùng và Diễm Hằng chia sẻ, việc tham gia cuộc thi giúp con phát huy tính sáng tạo và rèn luyện các kỹ năng nghiên cứu khoa học công nghệ, vì vậy, tôi luôn ủng hộ và đồng hành cùng con trong việc tham gia cuộc thi. Kết quả các con đạt được tại cuộc thi là sự trải nghiệm quý giá, giúp các con áp dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn. Nếu sản phẩm của các con được áp dụng vào thực tế thì rất hữu ích cho xã hội.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:38, 23/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.