(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 4 năm thực hiện đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPTM) đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập đươc đổi mới, cở sở vật chất trường lớp học được đầu tư khang trang.
Đến cuối năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 420 trường đạt chuẩn quốc gia. Để có được kết quả đó là nhờ tỉnh luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục. Tổng chi thường xuyên cho GD&ĐT chiếm từ 30 - 40% tổng chi thường xuyên toàn tỉnh. Ngành GD&ĐT thực hiện công tác chỉ đạo điều hành, quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu quả.
Cô và trò Trường Tiểu học Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) trong ngày tựu trường năm học mới 2024 - 2025. |
Những năm qua, ngành GD&ĐT các địa phương đã chủ động tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Năm 2023, UBND TX.Đức Phổ đã có quyết định phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, giai đoạn 2023 - 2025, trên địa bàn TX.Đức Phổ. Theo đó, UBND TX.Đức Phổ đã phân bổ khoảng 250 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất; trong đó, địa phương dành khoảng 30 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học. Nhờ đó, thì chất lượng giáo dục trên địa bàn TX.Đức Phổ ngày càng được nâng lên.
Năm học 2024 - 2025 là năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây cũng là năm học Chương trình GDPTM được triển khai đồng bộ ở tất cả các lớp học. Trên cơ sở 12 phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 do Bộ GD&ĐT chỉ đạo thực hiện, Sở GD&ĐT đã cụ thể hóa thành 8 phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp với thực tế địa phương.
Năm nay, Trường THPT Ba Gia có gần 1.500 học sinh, với 90 cán bộ quản lý, giáo viên. Nhà trường được Sở GD&ĐT tiếp tục đầu tư và hoàn thiện cơ sở vật chất cho tất cả các phòng học, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Các trang thiết bị dạy học theo danh mục của Bộ GD&ĐT được thực hiện mua sắm tập trung, đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo Chương trình GDPTM.
Tại các huyện miền núi, ngành GD&ĐT ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đảm bảo thực hiện Chương trình GDPTM, nhất là ưu tiên củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và các trường ở miền núi, hải đảo. Đồng thời, tham mưu xây dựng, củng cố và phát triển hiệu quả mô hình bán trú cho học sinh để các em có điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, học tập nhằm huy động hiệu quả học sinh ra lớp và nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm học 2024 - 2025 sẽ là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. Phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ GD&ĐT công bố rộng rãi. Theo phương án, nội dung Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bám sát nội dung của Chương trình GDPTM. Thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố cấu trúc định dạng đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 làm căn cứ để các nhà trường, giáo viên, học sinh tham khảo cho quá trình dạy và học.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái, đối với Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, trên cơ sở Quy chế tuyển sinh THPT do Bộ GD&ĐT ban hành, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành Kế hoạch tuyển sinh THPT trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp, liên thông trong triển khai Chương trình GDPTM ở cấp THCS và THPT. Đồng thời, xây dựng cấu trúc đề thi tuyển sinh, hệ thống ngân hàng câu hỏi phù hợp. Riêng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Sở tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về phương án tổ chức kỳ thi của Bộ GD&ĐT. Chỉ đạo các trường định hướng cho học sinh lựa chọn môn thi. Trên cơ sở đó, các trường xây dựng phương án dạy và học phù hợp với năng lực, nguyện vọng của học sinh.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: