Chủ động triển khai
Bộ tiêu chí đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập”, giai đoạn 2021 - 2030 phân ra 4 nhóm đối tượng gồm: Người dân trong xã; người lao động; cán bộ công nhân viên, doanh nhân; học sinh, sinh viên, học viên. Trong đó, học sinh, sinh viên, học viên là nhóm đối tượng mới.
Việc đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập” được thực hiện định kỳ hằng năm. Thời điểm lấy thông tin, số liệu để đánh giá, chấm điểm được tính từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 của năm đánh giá, việc đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập” là đánh giá vai trò của cá nhân. Mỗi công dân học tập là người tự học và coi trọng việc học tập. Thông qua học tập suốt đời để thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn - nghề nghiệp, hoàn thiện tay nghề, có tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, có ý thức lập thân, lập nghiệp nhằm cải thiện đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng, hướng tới công dân số, đóng góp tích cực cho xã hội.
Hội Khuyến học tỉnh triển khai Bộ tiêu chí và Hướng dẫn đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập”, giai đoạn 2021 - 2030 đến cán bộ hội khuyến học các cấp, các đơn vị, trường học. |
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh Trần Đức Minh, việc triển khai đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập” theo Quyết định số 244/QĐ-KHVN ngày 28/7/2022 của Hội Khuyến học Việt Nam được Hội Khuyến học tỉnh chủ động triển khai từ năm 2023. Đến ngày 25/10/2023, Hội Khuyến học Việt Nam tiếp tục có Quyết định số 324/QĐ-KHVN ban hành Bộ tiêu chí và Hướng dẫn đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập”, giai đoạn 2021 - 2030. Trên cơ sở đó, Hội Khuyến học tỉnh đã triển khai đến cán bộ hội khuyến học các cấp và ngành giáo dục. Quyết định 324 đề cập đến đối tượng mới đó là học sinh, sinh viên và học viên. Như vậy, từ nay các trường THPT và trường có cấp THPT, trường đại học, cao đẳng thực hiện nhiệm vụ đánh giá công dân học tập theo tinh thần Quyết định 324 của Hội Khuyến học Việt Nam.
Cần có sự chung tay
Khó khăn nhất hiện nay đó là đánh giá công dân học tập bằng 2 phương pháp: Đánh giá bằng giấy và ứng dụng phần mềm. Lâu nay, các cấp hội đã triển khai thực hiện phương pháp truyền thống đó là đánh giá bằng giấy. Song, phương pháp này gây tốn kém, trong khi hội khuyến học các cấp không có nhiều kinh phí. Vì vậy, Hội Khuyến học tỉnh khuyến khích triển khai mạnh mẽ đánh giá công dân học tập bằng ứng dụng phần mềm thông qua bộ công cụ đánh giá. Để thực hiện phương pháp này, các địa phương phải đầu tư công nghệ ngay từ đầu. “Hiện nay, hội khuyến học các cấp gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Chính vì thế, Hội Khuyến học tỉnh kêu gọi UBND các xã, phường, thị trấn, các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí để triển khai thực hiện đồng bộ Quyết định 324”, ông Minh nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ba Tơ Phạm Văn Néo cho biết, hiện Ba Tơ đang triển khai đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập” theo bộ tiêu chí mới. Để đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập” dựa trên cơ sở 10 tiêu chí dành cho đối tượng người dân trong xã và người lao động chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Song, ngay từ đầu năm, Ba Tơ đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân chỉ tiêu về cơ sở.
Trên cơ sở đó, địa phương đối chiếu với các tiêu chí để đánh giá “Công dân học tập”. “Trình độ người dân ở miền núi và cả cán bộ làm công tác khuyến học ở cơ sở còn khó khăn. Vì vậy, việc triển khai thực hiện đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập” ở cơ sở sẽ gặp trở ngại. Những nơi cán bộ cơ sở nhiệt tình, tâm huyết cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các hội, đoàn thể thì mới đạt yêu cầu”, ông Phạm Văn Néo nói.
Việc sử dụng Bộ công cụ đánh giá “Công dân học tập” nhằm từng bước xây dựng xã hội học tập, hướng tới xây dựng xã hội số, giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: