Những nhà sáng chế tương lai

10:58, 11/10/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Vượt qua hơn 100 giải pháp, “Thiết bị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trên sông, biển” của nhóm học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng (Mộ Đức) đã xuất sắc giành giải Nhất trong cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng tỉnh lần thứ 8. 

Trò chuyện với chúng tôi, em Trần Minh Nhật, học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng, một trong nhóm học sinh đoạt giải Nhất cho biết, qua thực tế cuộc sống và theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, em nhận thấy tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ngày càng gia tăng.

Việt Nam hiện nay có tỷ lệ đuối nước cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Trong số đó, 53% trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương... mà không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn, đồng thời tỷ lệ trẻ em biết bơi và có kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại Việt Nam rất thấp. Đồng thời, việc tuyên truyền, giáo dục về kiến thức và các kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em cũng chưa được triển khai một cách quy mô, bài bản. 

Do vậy, nhóm học sinh chúng em gồm Nguyễn Huỳnh Hữu Nhật, Đỗ Ngọc Toản, Trần Minh Nhật, Ngô Xuân Trường dưới sự hướng dẫn của thầy Trương Quang Hiếu đã nghiên cứu và thực hiện giải pháp “Thiết bị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trên sông, biển”. Mục tiêu nhằm khi xảy ra tình huống cần cứu hộ, cứu nạn trên sông, biển, đặc biệt khi có giông bão, nhiều trường hợp người hoặc phương tiện cần ứng cứu ở khoảng cách xa, các phương tiện ứng cứu khó với tới hoặc chậm, khiến cho việc ứng cứu không hiệu quả, đồng thời đảm bảo “giờ vàng” trong cấp cứu, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Thầy Trương Quang Hiếu hướng dẫn nhóm tác giả hoàn thành giải pháp “Thiết bị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trên sông, biển”.
Thầy Trương Quang Hiếu hướng dẫn nhóm tác giả hoàn thành giải pháp “Thiết bị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trên sông, biển”.
 
Sau gần 1 năm nghiên cứu với rất nhiều lần lắp ráp, thử nghiệm, nâng cấp, mô hình đã được hoàn chỉnh với rất nhiều bộ phận, như cảm ứng hồng ngoại xử lý vào ban đêm, bộ phát sóng Microzone MC7, mạch thu sóng E6R-E, mạch điều khiển động cơ chổi than 60Ampe, motor 895, động cơ bơm 365 12VDC, camera V99 pro…
 
Giải pháp “Thiết bị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trên sông, biển” của nhóm tác giả.
Thiết bị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trên sông, biển của nhóm tác giả.

Em Nguyễn Huỳnh Hữu Nhật, hào hứng chia sẻ, mọi thứ đối với chúng em đều mới mẻ, nên nhiều lúc em tưởng chừng phải dừng bước trước những khó khăn. Tuy nhiên, với ý chí muốn làm một cái gì đó để giúp ích được cho xã hội, chúng em đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục tìm tòi, học hỏi, khám phá những cái mới.

“Chúng em đã áp dụng kiến thức được học từ nhiều môn học như Tin học, Vật lý, Toán, Công nghệ… để tính toán thiết kế mạch, thiết kế phần cứng, chuẩn bị linh kiện, hàn mạch, kiểm tra tín hiệu hệ thống. Sau đó, tiến hành lắp ráp phần cứng, kết nối mạch và phần cứng, thiết kế phần mềm, viết chương trình, thử nghiệm, kiểm tra và đánh giá hiệu chỉnh cho đến khi hoạt động trơn tru”, Minh Nhật chia sẻ.

Nói về nguyên lý hoạt động, phần điều khiển thiết bị cứu hộ, cứu nạn di chuyển được sử dụng bộ điều khiển Microzone MC7. Bộ điều khiển sẽ lấy tín hiệu điện áp từ biến trở sau đó tín hiệu sẽ được xử lý chuyển đổi thành dạng sóng RF 2.4 GHz truyền đến bộ thu.

Khi phát hiện người bị đuối nước ở ngoài xa, thiết bị cứu hộ sẽ được người điều khiển trên bờ điều khiển tới người bị đuối nước. Lúc này, có thể biết tâm lý, tình trạng của người bị đuối nước. Vì vậy, sau khi điều khiển phao cứu hộ tới người bị nạn sẽ nắm vào thành của phao hay dây của phao (dây được nối xung quanh thành phao để người bị nạn có thể dễ dàng bám được) giúp họ có thể tạm thời hô hấp trong lúc nguy cấp. Đồng thời, phao sẽ được điều khiển để đưa người gặp nạn vào bờ. Tải trọng tối đa mà thiết bị phao cứu hộ có thể chịu được là 130,5kg, rơi vào khoảng tầm 2 người lớn có kích thước cơ thể bình thường hoặc 1 người có trọng lượng lớn.

“Thiết bị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trên sông, biển” được thử nghiệm ngoài thực tế.
“Thiết bị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trên sông, biển” được thử nghiệm ngoài thực tế.
 
Giáo viên hướng dẫn của nhóm, thầy Trương Quang Hiếu cho biết, nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để các em phát triển ý tưởng, tham gia nghiên cứu khoa học. Đây là những yếu tố rất quan trọng bởi nếu không có sự đam mê, việc nghiên cứu sẽ khó đi đến đích cuối cùng. Vì quá trình nghiên cứu, lắp ráp, thử nghiệm, cả thầy và trò đã trải qua rất nhiều lần thất bại.
 
Trong thời gian tới, nhóm tác giả sẽ tiếp tục phát triển, cải tiến “Thiết bị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trên sông, biển” nâng cấp thêm các bộ phận như định vị GPS, sóng điều khiển để cứu hộ, cứu nạn một cách chính xác, nhanh chóng, hiệu quả nhất.


Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN


TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:58, 11/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.