Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Nhiều điểm mới

11:00, 09/04/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo kế hoạch, từ năm 2025 tất cả học sinh (HS) từ lớp 1 đến lớp 12 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới và phương thức thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ đổi mới. Bộ GD&ĐT đã ban hành dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và đang triển khai lấy ý kiến rộng rãi người dân.
 
Dự kiến Lịch sử là môn thi bắt buộc

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa, phát huy kết quả tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước. Đồng thời vận dụng thành tựu và kinh nghiệm của quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh Trường THPT số 2 Mộ Đức trong giờ học.                   ẢNH: TRỊNH PHƯƠNG
Học sinh Trường THPT số 2 Mộ Đức trong giờ học. ẢNH: TRỊNH PHƯƠNG

Năm học 2022 - 2023, Lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Theo đó, Bộ GD&ĐT dự kiến năm 2025 sẽ đưa môn Lịch sử là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, dự thảo thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và hai môn tự chọn đã chọn lọc. Riêng HS học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn lọc. “Từ năm học 2022 - 2023, Lịch sử là môn học bắt buộc đối với HS lớp 10. Nếu môn Lịch sử là môn thi bắt buộc khi thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ góp phần quan trọng trong việc giáo dục cho HS truyền thống lịch sử, tình yêu quê hương đất nước...”, cô giáo Lê Thị Thanh Kiều, dạy môn Lịch sử Trường THPT số 2 Mộ Đức, chia sẻ.

Để việc dạy và học môn Lịch sử đạt chất lượng, đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Theo đó, giáo viên không truyền thụ kiến thức một chiều mà phải phát triển năng lực HS. Bên cạnh đó, việc thay đổi cách ra đề, kiểm tra, đánh giá HS cũng cần phải đổi mới, không nên nặng nề về số liệu, kiến thức ghi nhớ mà cần nhớ được những dấu mốc, sự kiện lịch sử quan trọng. Còn HS tự vận dụng hiểu biết của mình để nhận định, đánh giá được ý nghĩa những sự kiện, giai đoạn lịch sử...

Chủ động hơn trong dạy và học  

Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nội dung thi nằm trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chủ yếu là chương trình giáo dục cấp THPT. Như vậy, đề thi dự kiến sẽ không chỉ tập trung ở chương trình lớp 12 như hiện nay mà sẽ trải dài từ lớp 10 đến lớp 12. Đề thi đánh giá năng lực xuyên suốt 3 năm THPT sẽ là thách thức lớn đối với HS. Em Nguyễn Trâm Anh, lớp 10A1, Trường THPT Trà Bồng chọn tổ hợp môn tự chọn gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học ngay từ khi vào lớp 10. Trâm Anh cho rằng việc Bộ GD&ĐT sớm đưa ra định hướng phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 là rất cần thiết, giúp HS có hướng học tập phù hợp để chuẩn bị cho kỳ thi.

Còn em Đặng Võ Cẩm Giang, lớp 10A5, Trường THPT số 2 Mộ Đức lo lắng vì đề thi tổng hợp kiến thức trong 3 năm THPT. "Em phải chuẩn bị từ sớm để đảm bảo kiến thức một cách tốt nhất. Mong Bộ GD&ĐT có phương án thi thiết thực và đề thi phù hợp để tạo tâm lý thoải mái cho HS", Cẩm Giang chia sẻ. 

Việc sớm đưa ra định hướng phương án thi tốt nghiệp THPT phần nào giúp giáo viên, HS yên tâm và có sự chuẩn bị tốt hơn trong việc dạy và học. Các trường mong muốn Bộ GD&ĐT sớm có đầy đủ bộ sách giáo khoa của bậc THPT và các dạng đề tham khảo theo định hướng đánh giá nặng lực của dự thảo để giáo viên tiếp cận và định hướng cho HS.

 TRỊNH PHƯƠNG

 

 


 
 


Ý kiến bạn đọc


.