(Báo Quảng Ngãi)- Cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm, chú trọng triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, người có uy tín chính là cầu nối lan tỏa kiến thức, pháp luật trong cộng đồng dân cư và đưa chính sách trợ giúp pháp lý đến gần hơn với đồng bào DTTS ở miền núi.
Sâu sát cơ sở
Trước đây, số trường hợp tảo hôn ở huyện Sơn Tây luôn ở mức cao. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên tình trạng này đã được cải thiện đáng kể. Nhiều trường hợp có dấu hiệu tảo hôn đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật, huyện Sơn Tây đã phát huy vai trò của người có uy tín trên địa bàn. Không chỉ tích cực tuyên truyền trong các cuộc họp thôn, người uy tín còn thường xuyên xuống cơ sở, nắm danh sách các gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên để tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn.
Trong đó, chú trọng đến nội dung của Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới; những kiến thức về vấn đề tảo hôn, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Nhờ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân.
Tuyên truyền pháp luật cho người dân xã Sơn Long (Sơn Tây). Ảnh: Y.H |
Ông Đinh Trung Bôn, người có uy tín ở xã Sơn Mùa chia sẻ, tôi thường xuyên tuyên truyền cho người dân trong thôn thông qua các cuộc họp. Ngoài ra, tôi còn đến nhà trò chuyện để mọi người hiểu về hệ lụy của tảo hôn. Khi tuyên truyền, tôi dẫn chứng những trường hợp tảo hôn để người dân hiểu rõ việc này sẽ gây ra những khó khăn về kinh tế và ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào.
Huyện Trà Bồng có gần 60 nghìn dân, trong đó hơn 60% là đồng bào DTTS. Nhận thức và hiểu biết của người dân còn nhiều hạn chế, nhất là kiến thức về pháp luật. Bằng uy tín của mình, người có uy tín trong đồng bào DTTS của huyện Trà Bồng đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến nhân dân trên địa bàn.
Trau dồi kiến thức, kỹ năng
Ngoài những kiến thức được trang bị, tập huấn, bản thân những người uy tín ở vùng đồng bào DTTS không ngừng tìm tòi, học hỏi và tự trang bị kiến thức cho mình để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả và tạo lòng tin trong nhân dân. Điều này giúp công tác tuyên truyền đến người dân đạt hiệu quả cao.
Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, người có uy tín trong đồng bào DTTS còn là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. |
Những năm qua. Trưởng thôn Sơn Thành, xã Trà Sơn (Trà Bồng) Đinh Xuân Nam luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu văn bản và tham gia các hoạt động do địa phương tổ chức. Đây là dịp để ông tiếp nhận đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó chuyển tải đến người dân một cách cụ thể, thiết thực. Nhờ đó, ông Nam giúp người dân dễ dàng tiếp nhận các nội dung, kiến thức về pháp luật.
“Trong thôn thường xảy ra nhiều vấn đề về tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong gia đình, làng xóm... Vì vậy, tôi thường xuyên tìm hiểu về pháp luật và công tác trợ giúp pháp lý để hỗ trợ, hướng dẫn người dân giải quyết các vấn đề một cách hợp tình, hợp lý; đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân”, ông Nam chia sẻ.
Để hỗ trợ người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức trợ giúp pháp lý cho những người có uy tín. “Chúng tôi đã tổ chức tập huấn về kiến thức trợ giúp pháp lý cho trưởng thôn, người có uy tín trên địa bàn 5 huyện miền núi trong tỉnh. Thời gian qua, có khoảng 50 - 60 vụ việc được người có uy tín ở các địa phương hướng dẫn người dân đến Trung tâm để được trợ giúp pháp lý, bảo vệ tối đa quyền lợi của mình”, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nguyễn Chí Khoa cho biết.
V.YẾN - T.HẰNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: