Cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

14:08, 26/12/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Sơn Hà đã chủ động triển khai thực hiện các dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, qua đó góp phần cải thiện đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Đảm bảo an cư

  

 Ngoài các dự án trên, huyện Sơn Hà cũng tăng cường thực hiện Tiểu dự án 1, dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong năm 2023, đã có 37/90 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của đồng bào DTTS tại các xã, thị trấn được UBND huyện tổ chức thẩm định và phê duyệt. Hiện các xã, thị trấn đã và đang triển khai thực hiện.

Thực hiện dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình), huyện Sơn Hà đã phê duyệt, xây dựng kế hoạch hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gần 1.180 hộ nghèo. Riêng năm 2023, đã phân bổ kinh phí trên 8,8 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho gần 200 hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Ông Phan Tôn, ở xã Sơn Linh đang hoàn thiện ngôi nhà mới trị giá trên 100 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, ông vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội theo lãi suất ưu đãi 40 triệu đồng, còn lại là tiền tích lũy của gia đình. Ông Tôn thuộc diện hộ nghèo, hết khả năng lao động nên địa phương đã ưu tiên hỗ trợ xây dựng nhà ở trong năm 2023. “Trước đây, gia đình tôi sống trong ngôi nhà xập xệ, nay nhờ Nhà nước quan tâm hỗ trợ và cho vay ưu đãi để tôi làm được căn nhà mới kiên cố, vợ chồng tôi rất mừng”, ông Tôn nói.

Một ngôi nhà của hộ nghèo ở xã Sơn Giang (Sơn Hà) được hoàn thành từ nguồn hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Một ngôi nhà của hộ nghèo ở xã Sơn Giang (Sơn Hà) được hoàn thành từ nguồn hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Còn tại xã Sơn Giang, trong năm 2023 có 20/90 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Sơn Giang là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao của huyện Sơn Hà, với trên 25% là hộ nghèo. Sự hỗ trợ của dự án 1 có ý nghĩa rất lớn với địa phương trong công tác giảm nghèo, xóa nhà tạm dột nát, xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Sơn Giang Đỗ Văn Triều cho biết, thực hiện chương trình, trong năm qua, những nhà có nguy cơ sụp đổ trong mùa mưa bão địa phương ưu tiên hỗ trợ trước. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay ngân hàng chính sách, địa phương còn huy động lực lượng thanh niên, lao động tại địa phương đóng góp ngày công xây dựng để giảm bớt chi phí cho hộ nghèo.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Hà Đinh Thị Minh Sáng cho biết, các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện có nhu cầu về nhà ở rất nhiều. Trong 2 năm 2024 - 2025 huyện sẽ tiếp tục phê duyệt đối với các đối tượng trong giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai thực hiện; giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục rà soát bổ sung để đảm bảo hộ nghèo có nhà ở kiên cố.

Ngoài cho vay xây dựng nhà ở, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Sơn Hà cũng được vay vốn ưu đãi để chuyển đổi nghề. Đến ngày 31/10/2023, toàn huyện có 232 hộ nghèo đồng bào DTTS vay 10,2 tỷ đồng. Việc hỗ trợ vốn vay tín dụng ưu đãi, nguồn vốn đa dạng sinh kế, không chỉ giúp đồng bào DTTS trên địa bàn vươn lên trong cuộc sống, mà còn làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Tuyến đường giao thông về thôn Nước Bao, xã Sơn Bao đang dần được kiên cố hóa, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án, mỗi năm xã Sơn Bao dành từ 1 - 2 tỷ đồng đầu tư kiên cố hóa từng đoạn. Mới đây, từ nguồn vốn Chương trình, xã Sơn Bao đã hoàn thành hơn 400m đường bê tông. Ông Đinh Ka Mùng, người dân thôn Nước Bao vui mừng khi đi trên con đường mới.

“Trước kia đường lên thôn Nước Bao khó khăn, lầy lội bởi các khe suối gây chia cắt, sạt lở. Giờ được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư đường kiên cố bà con rất phấn khởi vì có đường để vận chuyển hàng hóa, nông sản và có đường để con em đi học an toàn”, ông Mùng chia sẻ.

Tuyến đường về thôn Nước Bao, xã Sơn Bao (Sơn Hà) được đầu tư kiên cố.
Tuyến đường về thôn Nước Bao, xã Sơn Bao (Sơn Hà) được đầu tư kiên cố.

Chủ tịch UBND xã Sơn Bao Giáp Hùng Vương cho hay, từ nguồn lực của chương trình, xã Sơn Bao được đầu tư 3 công trình. Trong đó có 1 công trình thủy lợi và 2 công trình giao thông, với tổng nguồn vốn trên 3 tỷ đồng. Các công trình giao thông đã tạo điều kiện cho bà con đi lại, giao thương, giúp giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của chương trình, thời gian qua, huyện Sơn Hà đã đầu tư 92 công trình các loại, với tổng mức đầu tư hơn 127 tỷ đồng. Trong đó ưu tiên hoàn thiện 53 tuyến đường giao thông nông thôn về các thôn, xóm, khu dân cư.

Cầu Sông Rin ở huyện Sơn Hà.  ẢNH: L.DANH

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà cho biết, định mức chi theo Chương trình là 1,8 tỷ đồng/xã, yêu cầu những công trình nhỏ thực hiện theo cơ chế đặc thù, công trình vừa do UBND các xã làm chủ đầu tư. Với yêu cầu như vậy thì việc thực hiện các tuyến đường giao thông là phù hợp vừa đảm bảo được nguồn lực, vừa đáp ứng được số kilômét của tiêu chí đường giao thông nông thôn.

Việc ưu tiên nguồn lực đầu tư các tuyến giao thông về các thôn, xóm, vùng đặc biệt khó khăn ở huyện miền núi có ý nghĩa rất quan trọng, phục vụ đắc lực cho nhu cầu đời sống người dân, đồng thời giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí về giao thông trong lộ trình về đích nông thôn mới.

Bài, ảnh: XUÂN HIẾU - THU HẰNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:08, 26/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.