Phát huy thế mạnh, giúp dân giảm nghèo

17:16, 24/10/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Ba Tơ đã tập trung nhiều nguồn lực, đề ra nhiều giải pháp thiết thực trong công tác xóa đói giảm nghèo. Trong đó, huyện tập trung phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thúc đẩy kinh tế phát triển, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Ba Tơ có diện tích rừng trồng lớn, là thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương. Ảnh: PV

Nâng cao giá trị rừng trồng

UBND tỉnh đang xây dựng Quyết định về quy định trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Quyết định sẽ áp dụng đối với hộ đồng bào DTTS, hộ gia đình người Kinh nghèo có tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực.

Ba Tơ là địa phương có diện tích rừng trồng lớn nhất tỉnh, cây chủ lực là keo lai, với trên 9.000ha và trên 523 nghìn cây phân tán. Mỗi năm, huyện thu hoạch hàng trăm nghìn tấn gỗ, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, trước đây việc trồng keo chủ yếu để cung ứng nguyên liệu cho sản xuất dăm gỗ nên giá trị mang lại thấp. Trước tình hình đó, huyện Ba Tơ chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, kết hợp với thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến gỗ thanh, ván lạng để nâng cao giá trị rừng trồng, cải thiện thu nhập cho người dân. Huyện chủ động kết nối với các doanh nghiệp (DN) đang đầu tư tại địa phương cung ứng cây giống, phân bón, chi phí sản xuất; đồng thời cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân với giá thị trường vào thời điểm khai thác nhằm giữ vòng đời của cây keo nâng lên 6 - 7 năm. Qua đó phục vụ sản xuất, chế biến các loại sản phẩm có giá trị cao từ gỗ keo.

Huyện Ba Tơ cũng đang tập trung phát triển các cụm công nghiệp (CCN). Hiện tại, trên địa bàn huyện có CCN Ba Động đang hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, CCN Ba Dinh sắp được hình thành trên diện tích 18ha, với tổng vốn đầu tư trên 250 tỷ đồng. Cụm công nghiệp này được kỳ vọng sẽ là hạt nhân, tạo đòn bẩy cho kinh tế rừng ở Ba Tơ phát triển. Hiện đã có 2 DN đăng ký đầu tư vào CCN Ba Dinh. “Các DN này sẽ xây dựng các nhà máy sản xuất viên nén, sản phẩm nội thất xuất khẩu với nguyên liệu chính là gỗ keo. Các DN cũng cam kết giải quyết việc làm cho từ 300 - 500 lao động là người địa phương trong giai đoạn đầu. Việc nâng cao giá trị của cây keo sẽ tăng hiệu quả trong công tác giảm nghèo nhất là hộ nghèo người DTTS tại địa phương”, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho biết. 

Đưa lao động ra nước ngoài làm việc

 Ngoài phát huy những tiềm năng sẵn có của địa phương phục vụ phát triển kinh tế, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng là một trong những điểm sáng trong công tác giảm nghèo tại huyện Ba Tơ.

Trước khi đi làm việc ở nước ngoài, gia đình của Phạm Văn Khương, người dân tộc Hrê ở thôn Trường An, xã Ba Thành (Ba Tơ) thuộc diện hộ nghèo. Không cam chịu cảnh nghèo khó, cách đây 5 năm, Khương đăng ký đi làm việc tại Nhật Bản. Sau 3 năm làm việc tại Nhật Bản, Khương đã tích lũy được một số vốn. Qua đó xây dựng cho bố mẹ căn nhà mới khang trang, đồng thời đầu tư xây dựng nông trại nhỏ để chăn nuôi gia cầm và heo ky, ổn định kinh tế gia đình. “Tôi thấy đi làm việc ở nước ngoài vừa kiếm được tiền vừa có kinh nghiệm làm việc, vì vậy sang năm 2024 tôi sẽ tiếp tục đăng ký sang Nhật Bản làm việc”, Khương chia sẻ.

Nhiều lao động là người dân tộc thiểu số ở huyện Ba Tơ tham gia học tiếng 
Nhật Bản để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.	                ảnh: pv
Nhiều lao động là người dân tộc thiểu số ở huyện Ba Tơ tham gia học tiếng Nhật Bản để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ảnh: PV

Cũng với mong muốn thoát nghèo, anh Phạm Văn Tống ở xã Ba Ngạc (Ba Tơ), hiện đang theo học lớp tiếng Nhật Bản chia sẻ, tại địa phương đã có nhiều anh chị đi làm việc ở nước ngoài đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, vì thế em cũng đăng ký đi. Trong 6 tháng học tiếng Nhật Bản, anh Tống được miễn học phí và được hỗ trợ tiền ăn, ở. Ngoài ra, lệ phí thủ tục đi Nhật Bản làm việc trong 5 năm chỉ có 60 triệu đồng, thấp hơn một nửa so với trước đây. 

Chủ tịch UBND xã Ba Thành Phạm Thị Minh Đôi cho biết, hiện có nhiều ưu đãi dành cho đối tượng đồng bào DTTS từ nguồn của tiểu dự án 2 của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2023 đang được triển khai, vì thế xã đang nỗ lực vận động, tuyên truyền để người dân có thể thụ hưởng được các ưu đãi, tìm kiếm được nơi làm việc ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình. 

Được biết, từ đầu năm đến nay, huyện Ba Tơ đã có 28 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài ra, còn có 7 lao động đang học các lớp tiếng Nhật Bản và Hàn Quốc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và chuẩn bị các thủ tục chờ xuất cảnh trong thời gian đến.

VŨ YẾN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:16, 24/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.