(Báo Quảng Ngãi)- Công tác chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động của bảo tàng, thư viện... đang được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện nhằm phát huy hiệu quả hoạt động, thu hút du khách tham quan.
Tăng trải nghiệm cho du khách
Khu Chứng tích Sơn Mỹ, ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), mỗi năm thu hút hàng chục nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, từ năm 2023, Khu Chứng tích Sơn Mỹ đã gắn mã QR Code tại 15 địa điểm thuộc khu chứng tích. Du khách đến khu chứng tích thay vì phải có thuyết minh viên mới có thể hiểu nội dung ý nghĩa của các điểm, thì nay chỉ cần quét mã QR sẽ hiện ra phần tài liệu về điểm di tích và phần thuyết minh bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Chị Trần Thị Diệu, du khách ở TP.Hồ Chí Minh cho biết, qua quét mã QR bằng điện thoại thông minh, tôi nghe thuyết minh, đọc được các tài liệu liên quan đến khu chứng tích rất rõ ràng, sinh động.
Du khách tham quan Khu Chứng tích Sơn Mỹ, ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). |
Giám đốc Khu Chứng tích Sơn Mỹ Phan Thị Vân Kiều cho biết, tất cả thông tin, nội dung chi tiết của hiện vật, điểm di tích sẽ hiện ra chỉ bằng thao tác sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR. Ứng dụng công nghệ này tạo thuận lợi cho khách tham quan, khi không cần có thuyết minh viên giới thiệu vẫn có thể biết được thông tin ở khu chứng tích. Thuận tiện nhất là du khách nước ngoài, nhờ có phiên dịch tiếng Anh nên nhiều du khách tiếp cận dễ dàng các thông tin liên quan đến khu chứng tích.
Ngoài ứng dụng nói trên, Khu Chứng tích Sơn Mỹ được tỉnh bố trí hơn 3,5 tỷ đồng để xây dựng, đổi mới toàn bộ khu trưng bày nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách. Nhà trưng bày hiện có 117 hình ảnh và 274 hiện vật. Các hình ảnh, hiện vật được trưng bày gắn với các thiết bị âm thanh phù hợp với từng nội dung. Đặc biệt, các nhóm hiện vật có hồ sơ thuyết minh chân thật, có giá trị lịch sử, nhân văn, làm xúc động người xem...
Du khách tìm hiểu hiện vật tại Nhà Trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) thông qua màn hình tương tác 3D. |
Tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), hiện đang trưng bày khoảng 700 hiện vật, hình ảnh, tài liệu có giá trị. Mỗi năm, nhà trưng bày đón hơn 15 nghìn lượt khách đến tham quan. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã lắp đặt màn hình tương tác 3D tích hợp 50 hiện vật tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh. Du khách chỉ cần chạm tay vào màn hình 3D sẽ nghe thuyết minh và nhìn một cách tường tận các hiện vật, nắm đầy đủ thông tin chi tiết. Ngoài ra, du khách có thể xoay chuyển bằng tay, xem hoa văn, kiến trúc các hiện vật văn hóa Sa Huỳnh ở nhiều mặt khác nhau của hiện vật nhờ ứng dụng này.
Cần nguồn lực đầu tư
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đang lưu giữ 4 bảo vật quốc gia, hơn 22 nghìn hiện vật có giá trị về văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, công tác CĐS của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí còn hạn chế. Hiện nay, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh chỉ mới gắn mã QR Code đối với 2 bảo vật quốc gia. Để đẩy mạnh CĐS, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã đề xuất tỉnh đầu tư kinh phí, xây dựng các ứng dụng công nghệ số trong bảo tàng với các thiết bị hiển thị, trình chiếu, tương tác; các hệ thống cảm biến, nhận diện. Triển khai cơ sở dữ liệu số bao gồm hình ảnh, âm thanh, phim, nội dung số 3D; phần mềm số hóa 3D, công tác lưu trữ, nghiên cứu, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các hiện vật, hình ảnh tư liệu, tham quan ảo 3D...
Học sinh tra cứu tài liệu qua máy tính tại Thư viện Tổng hợp tỉnh. |
Số hóa di tích lịch sử, văn hóa Hưởng ứng phong trào CĐS trong thanh niên, các cơ sở đoàn trong tỉnh đã xây dựng công trình thanh niên “Số hóa di tích lịch sử, văn hóa”, đặt mã QR- Code tích hợp thông tin tại các di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh. Tính đến nay, các cơ sở đoàn đã số hóa 24 di tích lịch sử, văn hóa. Bên cạnh đó, các cơ sở đoàn còn triển khai thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa như xây dựng các ấn phẩm truyền thông hiện đại, ngắn gọn, thu hút như Infographic để giới thiệu về di tích lịch sử, văn hóa; tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu truyền thống dân tộc... Đây là hoạt động ý nghĩa của tuổi trẻ Quảng Ngãi nhằm cung cấp chính xác dữ liệu, hình ảnh, tài liệu liên quan đến các di tích. Qua đó, tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương và thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. |
Thư viện Tổng hợp tỉnh cũng đã đẩy mạnh CĐS. Tại thư viện, các bước cơ bản về nghiệp vụ như quản lý bạn đọc, làm thẻ bạn đọc, quản lý lưu thông, mượn trả sách đều được thao tác trên máy tính. Thư viện Tổng hợp tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa các ấn phẩm báo, tạp chí lên các nền tảng số như xây dựng chuyên mục giới thiệu tác phẩm mới, ấn phẩm thông tin trên hệ thống website của thư viện tỉnh, Facebook...
Thư viện đã được đầu tư thực hiện dự án tin học hóa thư viện, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện. Dự án đã đầu tư xây dựng phần mềm ứng dụng trong quản lý tài nguyên thông tin, xử lý thông tin sách, tài liệu trên ứng dụng iLib version 8.0. Sau khi đưa vào triển khai vận hành, chương trình mở rộng khả năng trao đổi dữ liệu được mã hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ thư viện tiếp cận với hệ thống dữ liệu...
Tại Thư viện Tổng hợp tỉnh hiện có 2 máy chủ, 22 máy vi tính có kết nối Internet phục vụ độc giả tra cứu và truy cập thông tin... Thư viện đang lưu trữ khoảng hơn 54 nghìn đầu sách và gần 217 nghìn bản sách. Hằng năm, đơn vị được bố trí kinh phí để bổ sung từ 4.000 - 5.000 bản sách; phục vụ gần 185 nghìn lượt bạn đọc/năm.
Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh Phan Đình Độ cho biết, để hướng tới xây dựng tài liệu số, phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn và bạn đọc, thư viện cần phải có máy scan tài liệu chuyên dụng, các thiết bị máy tính, nghe nhìn... Thư viện Tổng hợp tỉnh đã đề xuất kinh phí để đầu tư các thiết bị nói trên cũng như kinh phí triển khai chương trình CĐS ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bài, ảnh: KIM NGÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: