Chiều 19/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Đoàn doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan do Chủ tịch Liên đoàn Giới chủ và Công nghiệp Hà Lan Ingrid Thijssen dẫn đầu đang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đoàn doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng dự buổi tiếp có Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.
Chào mừng Đoàn doanh nghiệp Hà Lan thăm, làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Đoàn doanh nghiệp Hà Lan sang Việt Nam lần này là hoạt động cụ thể, hiện thực hóa các kết quả đã đạt được trong các chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Hà Lan cuối năm 2022 và của Thủ tướng Chính phủ Hà Lan tới Việt Nam cuối năm 2023.
Theo Thủ tướng, sau 50 năm thiết lập ngoại giao (1973-2023), 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2019-2024) và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (2014-2024), quan hệ Việt Nam - Hà Lan được đánh giá là điển hình của mối "quan hệ năng động và hiệu quả" giữa hai khu vực Á – Âu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Đoàn doanh nghiệp Hà Lan sang Việt Nam lần này là hoạt động cụ thể, hiện thực hóa các kết quả đã đạt được trong các chuyến thăm của lãnh đạo Chính phủ hai nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Hà Lan đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất, là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của châu Âu ở Việt Nam. Hà Lan đã triển khai nhiều chương trình thiết thực hỗ trợ Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất giáo dục đào tạo, y tế, chống biến đổi khí hậu, vượt qua đại dịch COVID-19...
Bà Ingrid Thijssen, Chủ tịch Liên đoàn Giới chủ và Công nghiệp Hà Lan và lãnh đạo các doanh nghiệp Hà Lan bày tỏ ngưỡng mộ trước sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong thời gian qua; cho biết Việt Nam là một ưu tiên của Hà Lan nói chung và doanh nghiệp Hà Lan nói riêng ở khu vực; mong muốn và cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam phát triển.
Lãnh đạo các tập đoàn của Hà Lan đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục xem xét, có chính sách tốt hơn về thuế, visa, thủ tục hành chính; đặc biệt, mong muốn có đầu mối kết nối để tiếp nhận hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực đóng tàu, cảng biển, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, cung cấp vật liệu tham gia đề án xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ chỉ đạo doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện các cam kết phát triển xanh, sạch, an toàn, bền vững, chống hàng giả; mong muốn thu mua trực tiếp với người nông dân… để nông sản Việt Nam có cơ hội nhiều hơn vào Hà Lan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và giải đáp các vấn đề mà Đoàn doanh nghiệp Hà Lan quan tâm; đánh giá cao hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam trong thời gian qua, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Hà Lan, khẳng định Việt Nam luôn cởi mở, chân thành và sẵn sàng lắng nghe tâm tư, chia sẻ, ý kiến của cộng đồng các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hà Lan.
Thông tin về tình hình Việt Nam và các ưu tiên phát triển của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho rằng hai bên vẫn còn nhiều tiềm năng, thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hà Lan tận dụng hiệu quả các cơ hội của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tăng cường mở cửa thị trường, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 15 tỷ USD trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp Hà Lan tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác; tăng cường kết nối doanh nghiệp, xây dựng các dự án cụ thể, khả thi, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch vụ đóng tàu, cảng biển, công nghệ đóng tàu, logistics…
Cùng với đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất của các doanh nghiệp Hà Lan; tăng cường hợp tác giữa các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng giữa 2 quốc gia; tăng cường gắn kết, hiểu biết lẫn nhau, từ đó kết nối các doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác, đầu tư.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tích cực tham mưu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, phát triển các ngành công nghiệp mới nổi và phát triển các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật số, xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn; đẩy mạnh hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để cùng nhau triển khai các hoạt động kinh doanh hiệu quả, thành công, đem lại lợi ích thiết thực cho hai nước.
Trên tinh thần “thấu hiểu, chia sẻ, cùng làm, cùng hưởng, khó khăn chia sẻ, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng Phạm Minh chính khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc nếu có và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn, doanh nghiệp của Hà Lan đến đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.
Theo HÀ VĂN/Chinhphu.vn