Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất

09:59, 30/10/2024
.

(Baoquangngai)- Trong nhiều bài viết và nhiều lần phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở và phân tích sâu sắc về tư cách, đạo đức cách mạng, về liêm sỉ và danh dự của người cán bộ, đảng viên.

 

Danh dự là sự coi trọng, đánh giá cao của dư luận xã hội đối với một người dựa trên các giá trị tinh thần, đạo đức của người đó. Khi con người tạo ra được cho mình những giá trị tinh thần, đạo đức và những giá trị đó được xã hội đánh giá, công nhận thì người đó có danh dự. 

Danh dự có cơ sở từ những cống hiến thực tế của con người đối với xã hội, với người khác. Là con người, ai cũng đóng góp ít nhiều cho cuộc sống, cho xã hội, do đó ai cũng có danh dự. Tuy nhiên, danh dự không tự nhiên có được, mà đến từ sự đóng góp, cống hiến của người đó với tổ chức, tập thể, xã hội; do sự tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện miệt mài, dày công vun đắp như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Danh dự không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị, chức vụ, nghề nghiệp, giới tính. Người có danh dự, trọng danh dự sẽ được mọi người yêu mến, tin tưởng, tôn trọng. Vậy nên mỗi chúng ta phải luôn giữ gìn và bảo vệ danh dự của mình và tôn trọng danh dự của người khác. Người xưa đã đúc kết: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, như trong danh ngôn đã từng nói “mất tiền là mất ít, mất danh dự là mất hết”. Khi chúng ta biết giữ gìn danh dự của mình, của các cá nhân có được một sức mạnh tinh thần để làm điều tốt, hướng chúng ta đến điều thiện và tránh xa các điều xấu.

Trong nhiều bài viết và nhiều lần phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở và phân tích sâu sắc về tư cách, đạo đức cách mạng, về liêm sỉ và danh dự của người cán bộ, đảng viên. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng (2012 - 2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động nhắc lại những câu nói của Paven Coocsaghin - nhân vật chính trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn nổi tiếng Liên Xô Nikolai Ostrovsky: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của nhân dân”.

Đối với người cán bộ, đảng viên, danh dự lại càng thiêng liêng, cao quý. Lời tuyên thệ khi kết nạp Đảng là giây phút trang trọng, xúc động, tự hào. Đó là lời thề thực hiện sứ mệnh, trách nhiệm, lòng trung thành của người đảng viên vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Lời thề ấy chính là sức mạnh, động lực giúp các thế hệ cán bộ, đảng viên tiền bối sẵn sàng chịu đựng, chấp nhận gian khổ, hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng cộng sản. Nhờ đó, nhân dân tin theo Đảng, sẵn sàng đùm bọc, che chở cho cán bộ, đảng viên, hy sinh cho Đảng, gọi Đảng là “Đảng ta” một cách trìu mến, trân trọng. Uy tín, thanh danh của Đảng được xây dựng, bồi đắp, ngày càng được củng cố là nhờ đạo đức cách mạng, sự hy sinh, tinh thần vì nước, vì dân của những chiến sĩ cộng sản kiên trung, tiên phong ấy. Điều này giúp Đảng ta đưa đất nước vượt qua những gập ghềnh, gian nan để đi đến những chiến thắng vĩ đại, đạt được những thành tựu to lớn như Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”.

Nhưng thật xót xa, cùng với quá trình đất nước đổi mới, đi lên thì một bộ phận cán bộ, đảng viên lại không giữ gìn phẩm cách, nhiễm thói hư, tật xấu. Không ít người“nói không đi đôi với làm”, xem lợi ích của cá nhân, gia đình lớn hơn lợi ích tập thể, quốc gia.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói: “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất, sẽ còn mãi với thời gian; phải giữ cho được tư cách, đạo đức, danh dự của người đảng viên, người cán bộ cách mạng”. Đây là những lời nhắc nhở, đồng thời là sự tổng kết kinh nghiệm của cha ông về đạo lý làm người, giá trị của con người mà mỗi chúng ta, nhất là cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần, suốt đời tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, những thói hư, tật xấu trong bản thân mỗi người, để làm cho cái tốt, cái đẹp, điều thiện nảy nở như hoa mùa xuân; để đến khi trở về cuộc sống đời thường hay trước lúc nhắm mắt xuôi tay không cảm thấy ân hận, hổ thẹn vì đã giữ được trọn vẹn danh dự của mình.

Tất cả cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ vấn đề cốt lõi là Đảng phải luôn luôn dựa vào nhân dân, lắng nghe nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm. Cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí.

Trước hết là phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định rõ bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng, cao cả của mình khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, không ngừng phấn đấu, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống... Chỉ có như vậy thì tổ chức đảng và đảng viên mới thật sự trong sạch, vững mạnh, có uy tín với quần chúng nhân dân. Muốn lãnh đạo người khác thì phải lãnh đạo chính mình, cải tạo lòng mình; bảo đảm mọi lời nói, việc làm của mình đều đúng đắn thì nhất định sẽ có uy tín để lãnh đạo người khác. Là thước đo giá trị của nhân cách nên danh dự luôn mang tính chuẩn mực, với cán bộ, đảng viên càng phải chuẩn mực để làm gương.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải luôn khắc cốt ghi tâm rằng, một khi đánh mất nhân phẩm và danh dự là mất đi giá trị làm người. Hơn thế, giữ gìn phẩm giá, danh dự, uy tín của một người đảng viên không chỉ là giữ gìn cho mình mà đó còn là giữ gìn và bảo vệ danh thơm, tiếng tốt của Đảng một cách bền vững nhất.

PHAN THÀNH LONG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

  

Xuất bản lúc: 09:59, 30/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.