(Báo Quảng Ngãi)- Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc, mỗi dân tộc lại có đặc điểm, bản sắc riêng. Do đó, việc nhận thức đúng đắn, linh hoạt vấn đề dân tộc cũng như thực hiện đúng chính sách dân tộc là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng và Nhà nước ta.
Những vấn đề mới về quan hệ dân tộc
Trong thời gian qua, ngoài xu hướng tích cực, lành mạnh là chủ đạo, các mối quan hệ dân tộc ở Việt Nam đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong các vấn đề đó, có những vấn đề không mới nhưng trong điều kiện mới lại nảy sinh những phức tạp mới. Chẳng hạn, vấn đề đất đai hiện nay không chỉ dừng lại ở việc tranh chấp địa giới mà còn là vấn đề thị trường giao dịch bất động sản và quyền sở hữu của các chủ thể, nhất là vấn đề mua bán, chuyển nhượng. Hay một số ít cá nhân đặt quan hệ đồng tộc, thân tộc lên trên ý thức về chủ quyền lãnh thổ quốc gia ở vùng biên cương...
Nhà sàn truyền thống của đồng bào Hrê huyện Sơn Hà. Ảnh: TL |
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các dân tộc ở các tỉnh biên giới phía bắc với các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên cũng như ở các quốc gia khác sẽ ngày càng mở rộng và tăng cường trên nhiều lĩnh vực khác nhau so với trước đây. Một số dân tộc như Mông, Dao, Hoa, Thái, Khmer và nhiều dân tộc khác hiện có quan hệ đồng tộc, thân tộc qua biên giới sẽ tiếp tục củng cố và phát triển hơn nữa với tính chất, hình thức mới phức tạp, đa dạng hơn.
Trong bối cảnh đó, quan hệ dân tộc ở Việt Nam sẽ có những biến đổi. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với việc củng cố, xây dựng và quản lý các mối quan hệ dân tộc trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục sự nghiệp đổi mới đất nước và quá trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa đang diễn ra mạnh mẽ.
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Để giải quyết những nảy sinh trong mối quan hệ dân tộc hiện nay, các cấp, ngành, địa phương phải quán triệt sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và Nhà nước về vai trò, vị trí của vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc và quan hệ dân tộc - tộc người trong chiến lược phát triển của cách mạng Việt Nam. Mọi chủ trương, chính sách cũng như tổ chức chỉ đạo thực tiễn đều phục vụ mục tiêu củng cố ý thức quốc gia - dân tộc, bảo đảm cho sự phát triển hài hòa của từng dân tộc trong sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhân dân nhận thức đúng quyền lợi và nghĩa vụ của từng dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thù địch, âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tâm lý dân tộc cực đoan, cổ súy tư tưởng ly khai, chia tách dân tộc.
Nhất quán nguyên tắc: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam có hơn 96 triệu người thuộc 54 thành phần dân tộc. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm 85,3% dân số cả nước; 53 dân tộc thiểu số chiếm 14,7% dân số. Số dân giữa các dân tộc không đồng đều, có dân tộc số dân lớn hơn 1 triệu người (Tày, Thái, Mường, Khmer, Mông), nhưng có dân tộc số dân chỉ vài ba trăm người (Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu). |
Cùng với đó, chính sách phát triển các dân tộc thiểu số ở Việt Nam cần được hoạch định trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ những đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa truyền thống và hiện trạng phát triển mọi mặt đời sống của các dân tộc. Thực tể cho thấy, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam có xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, quy mô sản xuất nhỏ, phương thức và tập quán sản xuất còn lạc hậu. Cư dân các dân tộc thiểu số chủ yếu cư trú ở những địa bàn khó khăn, hiểm trở, có nhiều khác biệt về ngôn ngữ, tập quán văn hóa...
Do vậy, chủ trương, chính sách và mô hình phát triển cần phù hợp với đặc điểm vùng, từng dân tộc và nhu cầu thiết thực của người dân, tránh nóng vội, áp đặt, duy ý chí. Chính sách phát triển đối với các dân tộc thiểu số cũng cần xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của bản thân từng dân tộc, trong đó đồng bào các tộc người thiểu số là chủ thể, là trọng tâm của quá trình phát triển. Tôn trọng và phát huy các giá trị văn hóa của từng dân tộc; huy động được các nguồn lực từ cộng đồng nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu phát triển xã hội...
Trong quá trình hoạch định chính sách, cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc rằng, giải quyết vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc ở nước ta là một bộ phận hữu cơ trong chiến lược phát triển tổng thể của quốc gia, với chính sách trọng tâm là đẩy mạnh việc phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan điểm phát triển bền vững phải là quan điểm hạt nhân và là thước đo chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Sự phát triển phải dựa trên cơ sở: Tôn trọng và quan tâm sâu sắc lợi ích, chất lượng đời sống các dân tộc. Bảo vệ tính đa dạng văn hóa các cộng đồng tộc người thiểu số. Tạo được mối quan hệ đồng thuận cho phát triển và phát triển bền vững. Hạn chế đến mức thấp nhất việc làm suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên và các rủi ro khác. Nâng cao vai trò của cộng đồng các dân tộc thiểu số và nội lực của từng dân tộc trong phát triển...
Đặc biệt, đại đoàn kết dân tộc là một trong những nội dung lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta. Yêu nước và đoàn kết cũng là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Vì vậy, phải kiên trì và nhất quán thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc. Cần lưu ý là, trong khi giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, đoàn kết các dân tộc trong nước, cần chủ động tranh thủ sự ủng hộ và đóng góp ngày càng nhiều của kiều bào ta ở nước ngoài; đồng thời đấu tranh có hiệu quả với những mưu đồ lợi dụng vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc vào thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
HOÀNG ANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: