(Báo Quảng Ngãi)- Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến là phương châm giữ nước từ khi nước chưa nguy do Đảng đề ra tại Đại hội XII và hoàn thiện trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Đó không chỉ là sự vận dụng sáng tạo bài học cha ông ta đúc kết từ thực tiễn xương máu mà còn là tầm nhìn chiến lược, bảo đảm cho đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Dựng nước phải đi liền với giữ nước
Trong lịch sử đấu tranh giữ nước trên thế giới, hiếm có ở đâu như Việt Nam. Một dân tộc nhỏ bé nhưng đã đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, dù chúng hùng mạnh đến đâu. “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương” (Nguyễn Trãi).
Lễ thượng cờ chào năm mới tại đảo Trường Sa. Ảnh: MỸ HOA |
Theo sử sách ghi lại, mùa xuân năm Nhâm Tý (1432), sau khi dẹp xong cuộc nổi loạn của tù trưởng Mường Lễ, châu Ninh Viễn (nay là tỉnh Lai Châu), trên đường về Kinh đô, vua Lê Thái Tổ làm hai bài thơ. Bài khắc trên vách núi đá tỉnh Hòa Bình, có câu: “Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an” (Biên phòng phải lo sẵn phương lược/ Giữ nước cần tính kế lâu dài). Hai câu thơ của vua Lê Thái Tổ đã ngót 600 năm, nhưng vẫn nguyên giá trị, nhất là khi chiến tranh, xung đột vũ trang đang ngày một leo thang căng thẳng ở nhiều quốc gia như hiện nay.
Trong lịch sử dân tộc, triều đại nào biết tính kế lâu dài, khoan thư sức dân thì triều đại ấy sẽ chiến thắng mọi kẻ thù. Dựng nước bao giờ cũng phải đi liền với giữ nước. Giữ nước nhằm bảo đảm sự ổn định về mọi mặt để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Ngược lại, đất nước phát triển sẽ có tiềm lực tốt nhất để giữ nước bình yên. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng đi liền với xây dựng đất nước giàu mạnh, Đảng ta luôn xác định bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trước bất cứ tình huống nào đe dọa sự an nguy của đất nước.
Trước xu thế toàn cầu hóa, chúng ta vừa nêu cao tính tự lực, tự cường, vừa đẩy mạnh hợp tác; hiện có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên Liên hợp quốc; là bạn, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Thêm bạn, bớt thù không chỉ phục vụ phát triển kinh tế mà còn là tranh thủ mọi thời cơ, nâng cao vị thế, bảo đảm cho quốc phòng và an ninh đất nước lâu dài.
Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân
Không phải ngẫu nhiên trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Yên dân là khởi nguồn của mọi khởi nguồn trên hành trình dựng nước và giữ nước. Sức dân như nước, chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Một quốc gia có trang bị vũ khí tối tân đến mấy, nhưng lòng dân không yên thì thứ vũ khí ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì.
Gần 95 năm qua, Đảng ta luôn lấy người dân làm trung tâm, từ việc xây dựng đến thực thi chính sách, tất cả vì nhân dân. Bởi thế đất nước mới có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. So với năm 1986, quy mô nền kinh tế năm 2024 tăng hơn 96 lần. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, còn nhiều vấn đề đặt ra, như tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đang làm suy giảm niềm tin của nhân dân. Đây là nhân tố mà các thế lực thù địch lợi dụng đánh vào nội bộ ta, kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong buổi trao đổi với học viên lớp cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, ngày 31/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu 7 nội dung, như bản thông điệp quan trọng đưa ra kế sách lâu dài cho đất nước. Đó là cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền; tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi số. Đặc biệt là, đẩy mạnh chống lãng phí; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Hiện thực hóa 7 nội dung mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra là đất nước ta sánh vai được với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn. Đất nước phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc là sức mạnh nội sinh vô biên.
BẮC VĂN
( *) Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong tại Đền Giếng trong Khu di tích Đền Hùng trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ngày 19/9/1954.
TIN, BÀI LIÊN QUAN: