(Báo Quảng Ngãi)- Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Nghĩa Hành đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 22/3/2021 “về tiếp tục nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới (NTM) và xây dựng 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025”. Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, Nghĩa Hành đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, qua đó tạo tiền đề để huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2030.
Phát triển kinh tế từ cây ăn quả
Từ những vườn tạp có hiệu quả kinh tế thấp, huyện Nghĩa Hành đã áp dụng chính sách hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật, khuyến khích người dân trồng cây ăn quả các loại. Nhiều người dân nhận thấy, cây ăn quả tạo ra sản phẩm hàng hóa mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng rau màu, nên đã lựa chọn tăng diện tích trồng cây ăn quả để giảm nghèo bền vững.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ, ông Huỳnh Sum, ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh, đã phát triển kinh tế gia đình. Ông Sum cho biết, lúc đầu, tôi trồng chôm chôm, sầu riêng, cam. Sau đó, tôi trồng bưởi da xanh và tăng dần diện tích. Hiện với 7 sào đất vườn, tôi trồng trên 50 cây bưởi, 25 cây sầu riêng đang cho hoa và 500 cây cau.
Hằng năm, ông Sum thu hoạch bán ra thị trường 2,8 tấn bưởi, giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg, giúp gia đình có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Trồng bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Huỳnh Sum, ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh (Nghĩa Hành). |
Tương tự, ông Tôn Long Thành, ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh, cũng đã chuyển đổi đất hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ông Thành chia sẻ, nhờ địa phương hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật nên gia đình tôi đã chọn trồng bưởi da xanh, chôm chôm, mít, xen canh trồng cam. Mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập gần 100 triệu đồng.
Thời gian qua, huyện Nghĩa Hành đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả tập trung có quy mô lớn. Theo thống kê, uớc tính đến năm 2025, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện đạt gần 820ha. Đến nay, huyện Nghĩa Hành đã hình thành được 32 vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế khá, với các loại cây chủ lực như: Sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, chuối... Các vườn cây này mang lại thu nhập cho người dân bình quân khoảng 100 - 250 triệu đồng/ha/năm.
Theo Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm, nhằm thực hiện Nghị quyết 01, huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, chú trọng mở rộng và phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả. Chiến lược của huyện là đưa sản phẩm OCOP “Trái cây Nghĩa Hành” trở thành loại hàng hóa có giá trị đóng góp cao trong nền kinh tế. Đồng thời, phát triển vùng trồng cây ăn quả theo hướng tập trung; hình thành các vùng chuyên canh chất lượng cao, sản xuất theo nông nghiệp sạch.
Hướng đến huyện nông thôn mới nâng cao
Xây dựng NTM được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Hành, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, gắn kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở mỗi địa phương.
Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết 01, huyện Nghĩa Hành đã có 17 thôn đạt chuẩn “khu dân cư nông thôn kiểu mẫu”. Ngoài ra, 10 sản phẩm từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện được công nhận 3 sao.
Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm nhấn mạnh, thời gian đến, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Hành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; tập trung sản xuất theo chuỗi liên kết. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Cơ cấu lại vùng chuyên canh cây ăn quả và phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM, hướng tới mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”.
Cùng với đó, huyện Nghĩa Hành chú trọng nâng cấp các công trình hạ tầng về thủy lợi, phục vụ phát triển nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng huyện NTM; phát triển Chương trình OCOP, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đối với sản phẩm chủ lực, đặc trưng, có thế mạnh. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, du lịch; sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Huyện phấn đấu xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân, để phấn đấu đến năm 2030 đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.
Bài, ảnh: TRÍ PHONG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: