Gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội

09:44, 25/11/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong suốt quá trình đổi mới kinh tế, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ quan tâm đến thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, mà luôn chú trọng nâng cao đời sống của mọi tầng lớp nhân dân và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã chỉ rõ: “...Tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”. Xuất phát từ quan điểm đó, Đảng ta đã cụ thể hóa chính sách thực hiện gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội.

Đó là, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi và trong suốt quá trình phát triển. Công bằng xã hội phải thể hiện ở cả khâu phân phối hợp lý tư liệu sản xuất lẫn khâu phân phối kết quả sản xuất, tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình. Thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu; đồng thời phân phối dựa trên mức đóng góp các nguồn lực khác vào kết quả kinh doanh và phân phối thông qua phúc lợi xã hội, đi đôi với chính sách điều tiết hợp lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đã giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng phát triển. Trong ảnh: Một góc thị trấn Di Lăng (Sơn Hà). 
Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC
Nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đã giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng phát triển. Trong ảnh: Một góc thị trấn Di Lăng (Sơn Hà). Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC

Bên cạnh đó, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói giảm nghèo. Thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, về mức sống giữa các vùng, các dân tộc, các tầng lớp dân cư.

 Hộ nghèo cả nước còn 1,93%

   Theo thông tin từ báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Chính phủ, thời gian qua, các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93%.
   Trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được đề cập là phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới...

Đến Đại hội IX của Đảng, nguyên tắc phân phối được đại hội thông qua thể hiện được nội dung đầy đủ, cụ thể và rõ ràng hơn các kỳ Đại hội VI, VII, VIII. Bên cạnh việc nhấn mạnh các nguyên tắc phân phối theo lao động là chủ yếu, đồng thời thực hiện phân phối theo phúc lợi xã hội, thì với việc bổ sung thêm nội dung phân phối theo mức độ đóng góp vốn vào sản xuất, kinh doanh, Đại hội IX của Đảng đã thể hiện một sự đổi mới dứt khoát, quan trọng trong tư duy về nguyên tắc phân phối nói riêng, về thực hiện công bằng xã hội trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nói chung.

Theo Văn kiện Đại hội X, để giúp các đối tượng chính sách hòa nhập với sự phát triển chung của xã hội, thì cần “tạo điều kiện và cơ hội tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản, vươn lên thoát đói nghèo vững chắc ở các vùng nghèo và các bộ phận dân cư nghèo. Khắc phục tư tưởng bao cấp, ỷ lại”. Đây là mục đích giúp nhóm này giảm bớt khó khăn, nhanh chóng thoát khỏi nghèo đói, có cơ hội vươn lên hội nhập với sự phát triển chung của xã hội nhưng trước hết bằng chính nỗ lực của mình.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục chủ trương: “Coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa”. Đồng thời, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu... Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII chủ trương: “Tiếp tục hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống... Đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả và tiếp cận phương pháp đo lường nghèo đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội cơ bản và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản”.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “...quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số”; “phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển...”.

Có thể khẳng định, quan điểm nhất quán, xuyên suốt qua các kỳ đại hội của Đảng luôn khẳng định gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

HOÀNG ANH

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:44, 25/11/2024

Ý kiến bạn đọc


.