Chín đóa hồng bất tử

09:18, 01/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có một trạm quân bưu được thành lập trên đường Trường Sơn lịch sử vào năm 1967, với 9 nữ giao liên miệt mài ngày đêm băng rừng, lội suối chuyển công văn, tài liệu, đưa đón bộ đội, thương binh. Suốt 8 năm ròng trong rừng thiêng, với những chiến công thầm lặng mà lớn lao, lịch sử khắc ghi tên gọi “Trạm 9 cô” như chín đóa hồng bất tử.

Trạm 9 cô thành lập ngày 16/6/1967 tại xã Sơn Tân (Khu 7 cũ, nay là huyện Sơn Tây), thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 240, Cục Hậu cần Quân khu 5. Đây là binh trạm duy nhất trên toàn tuyến đường Trường Sơn được biên chế toàn là nữ. Do tuổi cao, bệnh tật có 3 người đã qua đời.

Thăm lại chiến trường xưa

Tháng 8/2024, huyện Sơn Tây tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày tái lập huyện và 65 năm ngày Giải phóng huyện. Đông đảo cán bộ và nhân dân, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ các lực lượng năm xưa tham gia kháng chiến trên địa bàn huyện đã về tham dự. Trong dòng người ấy, có các cô gái năm xưa là giao liên ở Trạm 9 cô. 

Các nữ giao liên ở Trạm 9 cô năm xưa và Đại tá Huỳnh Minh Giữ - Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, chụp ảnh lưu niệm trong dịp về dự Lễ kỷ niệm 30 năm ngày tái lập huyện và 65 năm ngày Giải phóng huyện Sơn Tây.
Các nữ giao liên ở Trạm 9 cô năm xưa và Đại tá Huỳnh Minh Giữ - Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, chụp ảnh lưu niệm trong dịp về dự Lễ kỷ niệm 30 năm ngày tái lập huyện và 65 năm ngày Giải phóng huyện Sơn Tây.

Trở lại Sơn Tây, về lại những địa danh Bãi Màu, Tà Mực, các cô gái Trạm 9 cô ngày ấy như được sống lại tháng ngày thanh xuân tươi đẹp nhất đời mình. Trong phần liên hoan văn nghệ, một trong 9 cô gái Trạm 9 cô năm xưa là bà Nguyễn Thị Diệp, hiện ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi), đã hát tặng mọi người bài “Nổi lửa lên em”. Đây là ca khúc mà ngày xưa, suốt 8 năm ròng làm giao liên nơi núi rừng Sơn Tây, đêm nào cô Diệp cũng hát để động viên chính mình và đồng đội.

Chúng tôi gặp lại bà Nguyễn Thị Diệp vào một buổi sáng cuối tháng 8/2024 trong căn nhà ở hẽm 279/3 Quang Trung, TP.Quảng Ngãi. Bà Diệp kể, 8 năm ròng rã (1967 - 1975) bám trụ trên rừng, bên dòng sông Rin, giữa bom đạn và chất độc hóa học, chị em chúng tôi chỉ biết lấy tiếng hát để động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Rồi bà Diệp đã kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày nơi núi rừng heo hút, việc đón bộ đội, thương binh sao cho đảm bảo kịp thời, an toàn. Ngày ấy, bộ đội Trường Sơn qua đây đều nhớ mặt, biết tên cả 9 cô trong trạm. Tên đường, tên dốc, khoảng rừng trên cung đường Trường Sơn lửa đạn đều được gọi là “dốc 9 cô”, “đường 9 cô” và “rừng 9 cô”.

Đẹp mãi tình đồng đội 

Bà Nguyễn Thị Diệp hào hứng kể câu chuyện tham gia kháng chiến, nhưng khi nhắc đến những đồng đội cũ ốm đau, qua đời, bà lại nghẹn ngào, rưng rưng. Bà Diệp cố kìm nén cảm xúc của mình như thể năm xưa lúc làm nhiệm vụ, đã cùng đồng đội trấn tĩnh, động viên nhau để gan dạ, mưu trí trước bom đạn của kẻ thù. “Tôi và các chị em Trạm 9 cô luôn vui vẻ bên nhau trong chiến đấu và cả sau ngày hòa bình. Mấy chị em mỗi ngày vẫn tíu tít gọi nhau hỏi đủ chuyện từ ăn ngủ thế nào, lưng đỡ đau chưa, chuẩn hội diễn lần tới sẽ hát bài gì?... Lúc rảnh rỗi, khỏe mạnh lại hẹn nhau đi thăm người yếu, thắp hương cho người đã qua đời. Đó là niềm hạnh phúc, chúng tôi may mắn vì còn sống, có rất nhiều đồng chí đã hy sinh vẫn còn nằm lại nơi núi rừng”, bà Diệp bộc bạch.

Nhớ lại cái ngày mới về Trạm 9 cô, bà Diệp kể, “Khi ấy tôi mới 16 tuổi. Tôi lén lấy của cha cái võng, đôi dép nhựa và cái rựa. Quyết đi là đi, theo tiếng gọi của non sông. Có đợt, tôi bị bệnh, tưởng không qua khỏi. Đồng đội đã tính chuyện đưa tôi về với gia đình. Nằm trên giường bệnh, tôi lơ mơ nhận ra điều ấy. Thế là tôi quyết xin ở lại. Vì tôi biết, về nhà sẽ nhớ rừng, nhớ các chị em. May mắn là tôi khỏi bệnh, nhờ sự chăm sóc của chị em, nhờ vào lá rừng, gạo của bà con trong xóm... Khỏe mạnh trở lại, cô gái trẻ Nguyễn Thị Diệp lại cùng chị em đưa đón bộ đội, vận chuyển công văn, rồi xuống núi xin chi viện gạo, muối cõng lên trạm, nấu cháo nuôi các thương binh...

Dẫu nay đã gần 80 tuổi, song bà Diệp vẫn vui vẻ múa hát, biểu diễn văn nghệ say sưa. Bà Diệp bảo rằng, tình yêu văn nghệ, yêu ca hát cứ tự nhiên như cây rừng, càng nhọc nhằn, gian khổ càng phải hát ca, để làm động lực sống, quên đi vất vả. Cả buổi chuyện trò, bà Diệp không một lần kể khổ hay nói về hiểm nguy của công việc giao liên. Bởi lẽ, tình yêu quê hương, đất nước lớn lao hơn tất cả, để rồi tiếp sức cho các cô gái ở Trạm 9 cô vượt qua mọi hiểm nguy, gian khổ. Cuối buổi trò chuyện, chúng tôi hỏi: “Ngày xưa, các cô đẹp lắm đúng không ạ?”. Bà Diệp cười bảo, chị em chúng tôi chẳng ai biết mình có đẹp hay không, vì không ai để ý chuyện này. Đôi lúc cùng nhau ra suối tắm giặt, cùng nhau soi khuôn mặt mình xuống dòng nước để thấy mình đã trưởng thành hơn. Thế nhưng, có một điều chúng tôi ai cũng biết rất rõ, đó là tuổi thanh xuân cống hiến cho quê hương, đất nước và tình cảm chị em Trạm 9 cô dành cho nhau thì đẹp mãi.

Bài, ảnh: THANH HUYỀN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 09:18, 01/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.