Tướng Nguyễn Chánh trong lòng văn nghệ sĩ 

17:34, 02/08/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nguyễn Chánh là vị tướng văn võ song toàn. Không những chỉ huy đánh trận tài ba, mà ông còn là người rất yêu thích và am hiểu văn chương, quan tâm đến văn nghệ sĩ và có công phát triển nghệ thuật bài chòi, nghệ thuật tuồng.  

Tướng Nguyễn Chánh là một trong ba vị tướng lừng danh nhất Quảng Ngãi. Cả ba vị tướng đều sinh ra ở vùng quê dọc bờ sông Trà Khúc, đó là tướng Nguyễn Chánh, tướng Phạm Kiệt và tướng Trần Văn Trà.

Nguyễn Chánh là vị tướng văn võ song toàn. Không những chỉ huy đánh trận tài ba, mà ông còn là người rất yêu thích, am hiểu văn chương, quan tâm đến văn nghệ sĩ và có công phát triển nghệ thuật bài chòi, nghệ thuật tuồng. Trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Chánh đã tập trung được nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng vào tổ chức văn nghệ Khu 5, trở thành lực lượng góp phần rất đáng kể trong cuộc kháng chiến.

Ngày tướng Nguyễn Chánh qua đời (24/9/1957), nhà thơ Tế Hanh đã có bài thơ mộc mạc nhưng tổng kết được cuộc đời cách mạng của Nguyễn Chánh: “Ngọn lửa Ba Tơ bừng giữa núi/  Anh góp phần chuyển xuống đồng bằng/ Cách mạng dấy lên từ Quảng Ngãi/ Lan tràn như sóng khắp khu Năm/ Giặc Pháp ào ào lên phía biển/ Anh tiến quân giải phóng Tây Nguyên/ Âm mưu xâm lược thành mây khói/ Chiến thắng hợp đồng với Điện Biên/ Vị tướng tài năng của nước nhà/ Qua đời giữa tuổi bốn mươi ba/ Ghi một dấu son hình núi Ấn/ Sáng ngời soi xuống dải sông Trà” (Kính tặng hương hồn đồng chí Nguyễn Chánh).

Đồng chí Nguyễn Chánh (thứ 2 từ trái sang, hàng đứng) cùng các đồng chí chỉ huy đầu tiên của Đội Du kích Ba Tơ. 				Ảnh: T.L
Đồng chí Nguyễn Chánh (thứ 2 từ trái sang, hàng đứng) cùng các đồng chí chỉ huy đầu tiên của Đội Du kích Ba Tơ. Ảnh: T.L

Nhà văn Nguyễn Chí Trung đã nhận xét tướng Nguyễn Chánh mấy câu thật ngắn gọn nhưng hết sức có ý nghĩa về một con người toàn diện, rất am hiểu văn học - nghệ thuật: “Anh Nguyễn Chánh vẫn thế. Nụ cười chân tình, con người dễ mến, nói năng giản dị, bình đẳng và trân trọng. Anh Nguyễn Chánh hiểu, rất hiểu văn học nghệ thuật, coi đó như một mục đích, một nhu cầu tự thân của đời, của người, của dân tộc này”. 

Nhà nghiên cứu nghệ thuật và lãnh đạo Đoàn Tuồng Liên khu 5 Hoàng Châu Ký thì nói cụ thể hơn về những hiểu biết sâu sắc của tướng Nguyễn Chánh đối với nghệ thuật tuồng: “Nhiều lần làm việc với các lão nghệ sĩ trong đoàn tuồng chúng tôi như các ông Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, bà Ngô Thị Liễu... anh Chánh nói chuyện rất vui, nhắc lại bao kỷ niệm của anh đối với ngành tuồng. Anh nhắc đến ông phó ca Trập ở Quảng Ngãi đóng vai Trương Phi rất oai, múa rất đẹp, đóng “Cáp Tô Văn nằm gành” cũng rất hay... Anh nhắc mãi về trống chầu, bảo tuồng mà không có trống chầu là mất một cái hay. Đó là tiếng nói khen - chê, phẩm bình của khán giả, mặt khác trống chầu góp phần làm tăng khí thế của buổi biểu diễn, giúp khích lệ diễn viên”.     

Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm luôn nhớ đến vóc hình thân thương của tướng Nguyễn Chánh: “Vóc người anh thấp đậm, vầng trán cao như một nhà bác học, đôi mắt anh sáng lấp lánh, tia mắt lúc nào cũng như cười, vừa hóm hỉnh, vừa thông minh. Anh Nguyễn Chánh là con người có nhiều rung cảm nghệ thuật. Anh yêu các nhà văn, nhà thơ và bản thân anh cũng làm nhiều thơ, nhất là khi anh còn hoạt động bí mật. Bài thơ anh viết trong tù gửi cho chị Phạm Thị Trinh, vợ và là đồng chí của anh một bài thơ đầy xúc động”.  

Bảo vệ, xiển dương nghệ thuật truyền thống của dân tộc, của nhân dân Khu 5, tướng Nguyễn Chánh từng phát biểu trong một hội nghị cán bộ lãnh đạo Khu 5, khi nói về nghệ thuật truyền thống: “Bây giờ đang kháng chiến có nhiều khó khăn, chúng ta vẫn nên thành lập lại một đoàn hát bội của Khu, làm nòng cốt cho phong trào. Song song với hát bội, cần khôi phục phát triển các loại dân ca truyền thống của địa phương như bài chòi, vè, nói lía...”. Đã nói là làm, quả thật trong kháng chiến chống Pháp, Liên khu 5 là nơi văn học và nghệ thuật truyền thống đặc biệt phát triển.

Không chỉ yêu quý và gắn bó với nghệ thuật truyền thống, tướng Nguyễn Chánh còn là một người lãnh đạo có tầm nhìn xa rộng, từ kháng chiến chống Pháp đã nhìn ra, nhận rõ phải bảo vệ văn hóa, văn nghệ dân tộc. Và trước hết, phải bảo vệ, chăm sóc các tài năng về nghệ thuật dân tộc.

Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thi, một tài năng đặc biệt về ca kịch dân tộc, về bài chòi, đã xúc động viết những dòng thơ tiễn biệt người anh Nguyễn Chánh của mình:  “Làm sao quên được ngày anh lên thăm Đoàn ở ô Cầu Giấy/ Anh bình dị chan hòa, ôi biết mấy thân thương/ Là Tư lệnh Liên khu Năm trí dũng kiên cường/ Nhưng với văn nghệ sĩ vẫn dành cho chúng em tình thương ưu ái/ Dẫu anh vĩnh viễn ra đi nhưng bóng dáng/ người Chính ủy Liên khu Năm vẫn còn đây mãi mãi” (Xin gửi đến hương hồn anh Nguyễn Chánh).

Tướng Nguyễn Chánh là một nhà lãnh đạo quân sự, một Chính ủy Liên khu 5, một nhà cách mạng tài năng. Ông là một con người toàn diện, không chỉ biết đánh trận, mà còn biết trân quý văn học - nghệ thuật, biết yêu thương văn nghệ sĩ.

NHẬT CHUNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:34, 02/08/2024

Ý kiến bạn đọc


.