Viết tiếp truyền thống gia đình

14:25, 22/12/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023), các cán bộ, chiến sĩ cùng ôn lại truyền thống vẻ vang, anh hùng của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong suốt chặng đường đó, có biết bao thế hệ quân nhân đã gìn giữ, tiếp nối truyền thống gia đình, chiến đấu, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

GIA ĐÌNH BỘ ĐỘI

Chỉ tay lên bức ảnh gia đình treo trên tường nhà, ông Huỳnh Minh Giữ (74 tuổi), ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi), giới thiệu về các thành viên cùng chung màu áo. Với ông, đó là niềm vui, hạnh phúc lớn lao của một người lính già.

Gia đình ông Huỳnh Minh Giữ tiếp nối và phát huy truyền thống quân nhân.
Gia đình ông Huỳnh Minh Giữ tiếp nối và phát huy truyền thống quân nhân.

Hồi tưởng lại từng dòng ký ức, ông Giữ cho hay, cha tôi đi tập kết ở miền Bắc năm 1954, mẹ tôi ở nhà hoạt động cách mạng bí mật. Năm mới 15 tuổi, tôi tham gia bộ đội quân giải phóng tại Đại đội 401 thuộc Tỉnh đội Quảng Ngãi.

Dẫu tuổi còn trẻ, phải trải qua những tháng năm chiến đấu ác liệt, thương tích, nhưng lúc nào ông cũng giữ vững lý tưởng, ý chí chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Sau giải phóng, ông Giữ công tác tại cơ quan tham mưu Tỉnh đội Nghĩa Bình. Từ năm 1980 - 1985, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Sau khi tái lập tỉnh, ông về công tác tại Tỉnh đội Quảng Ngãi. Trước khi nghỉ hưu, ông Giữ là Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh.

Người vợ của ông Giữ cũng là đồng đội từng chiến đấu chung tại Tiểu đoàn 48. Ông bà quen nhau trong chiến tranh, vì nhiệm vụ nên sau khi đất nước giải phóng, ông bà mới kết hôn. “Vợ chồng tôi sinh được ba người con. Quãng thời gian tôi tham gia chiến đấu ở Campuchia và những lúc công tác xa nhà liên tục, vợ tôi một mình ở nhà nuôi dạy 3 đứa con. Sau giờ học, các con biết tự giác làm việc nhà, yêu thương, nghe lời cha mẹ, bà con, chan hòa với láng giềng. Dù trong thời chiến hay thời bình, tôi luôn dặn các con phải nỗ lực cố gắng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc”, ông Giữ cho hay.

Vì nhiệm vụ đặc thù phải trực, thường xuyên xa nhà, công tác đột xuất liên tục, nên các cán bộ, chiến sĩ ít khi có điều kiện ở nhà với người thân. Nhất là các ngày lễ, Tết, dịp trọng đại của gia đình, các thành viên công tác trong quân đội thường xuyên vắng mặt. Đó cũng là những hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ nhưng cũng là trách nhiệm, bổn phận lớn lao của quân nhân.

Hai người con đầu của ông Giữ đang công tác tại Bộ CHQS tỉnh. Ông Giữ vẫn thường kể cho con cháu nghe những mẩu chuyện thời chiến tranh, khoảnh khắc sinh tử cận kề, nhưng những người lính Cụ Hồ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để chiến đấu. Những câu chuyện đó không chỉ là hành trang mà còn là động lực để các con ông viết tiếp truyền thống gia đình.

TÌNH THÂN, TÌNH ĐỒNG ĐỘI

Đại tá Võ Tấn Tài (50 tuổi) hiện là Chính ủy Bộ CHQS tỉnh. Dù ở cương vị, chức trách nào, ông luôn tâm niệm bản thân phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mẹ qua đời năm ông chỉ mới 4 tuổi, ông được nuôi dưỡng bởi người cha tần tảo, thường xuyên đau ốm. Từ lúc còn học dưới mái trường phổ thông, ông tâm nguyện mong muốn trở thành sĩ quan quân đội, để đỡ đần cho cha và viết tiếp truyền thống gia đình. Thế nhưng, lúc ông sắp tốt nghiệp Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật thông tin thì cha ông qua đời. Những mất mát đó đã trui rèn thêm ý chí, bản lĩnh của một người lính.

“Tôi được sinh ra và lớn lên ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), từ nhỏ, tôi từng được nghe và biết đến vụ thảm sát Mỹ Lai. Gia đình tôi có hai anh trai là sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, các cháu ruột cũng công tác trong lực lượng vũ trang. Phát huy truyền thống gia đình, tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là niềm tự hào, trách nhiệm của người lính thời bình”, Đại tá Võ Tấn Tài chia sẻ.

Hạnh phúc bên gia đình của Đại tá Võ Tấn Tài.
Hạnh phúc bên gia đình của Đại tá Võ Tấn Tài.

Vừa là tình thân ruột thịt, vừa là tình đồng chí, đồng đội cũng là câu chuyện về gia đình Trung tá Lê Ánh Dương (46 tuổi), Chánh Văn phòng Bộ CHQS tỉnh. Gia đình Trung tá Lê Ánh Dương có 5 anh em  (gồm 4 trai và 1 gái) trong đó ba anh em trai hiện đang công tác trong quân đội.

“Ông nội tôi là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Quảng Ngãi. Bà nội tôi là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bác ruột là liệt sĩ, hy sinh tại Quảng Nam, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Còn ba tôi nhập ngũ năm 1972 vào Đại đội 372 thuộc Huyện đội Sơn Tịnh khi mới 17 tuổi. Ông tham gia nhiều trận đánh ác liệt trên địa bàn các xã khu tây huyện Sơn Tịnh. Từ tháng 12/1977 - 1985, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng ở vùng đất Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), những ký ức, câu chuyện của thế hệ cha ông đã in đậm trong tâm trí của tôi. Sau khi học xong THPT, tôi viết đơn tình nguyện phục vụ lâu dài trong quân đội”, Trung tá Lê Ánh Dương cho hay.

Các thành viên trong gia đình Trung tá Lê Ánh Dương quây quần bên nhau.
Các thành viên trong gia đình Trung tá Lê Ánh Dương quây quần bên nhau.

Vì nhiệm vụ đặc thù phải trực, thường xuyên xa nhà, công tác đột xuất liên tục, nên các cán bộ, chiến sĩ ít khi có điều kiện ở nhà với người thân. Nhất là các ngày lễ, Tết, dịp trọng đại của gia đình, các thành viên công tác trong quân đội thường xuyên vắng mặt. Đó cũng là những hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ nhưng cũng là trách nhiệm, bổn phận lớn lao của quân nhân. Họ gác lại niềm vui của bản thân để góp phần bảo vệ sự yên bình cho mọi nhà. Những ngày bão lũ, những cán bộ, chiến sĩ phải lo hỗ trợ, cứu giúp người dân. Có không ít căn nhà của các quân nhân bị tốc mái hay hư hỏng... cũng phải gác lại, đợi nhân dân ổn định đời sống mới về sửa sang lại nhà cửa của gia đình mình.

“Có khi nửa tháng, tôi mới được về nhà, nhưng với những người lính chúng tôi cảm thấy mình may mắn vì có gia đình hạnh phúc và được sống, rèn luyện trong thời bình”, Trung tá Lê Ánh Dương bộc bạch. Với các gia đình quân nhân, mạch nguồn gìn giữ, trao truyền và phát huy truyền thống như một sợi chỉ đỏ kết nối các thành viên trong gia đình. Để từ đó, họ lan tỏa những giá trị tốt đẹp và viết tiếp những câu chuyện ý nghĩa về người lính Cụ Hồ trong thời bình.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:25, 22/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.