(Baoquangngai.vn)- Sáng 21/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và chỉ đạo hội nghị. Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm.
Các đồng chí chủ trì hội nghị. |
Công tác tuyên truyền có chiều sâu, lan tỏa thông tin tích cực
Hơn 700 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, hội ở trung ương và địa phương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; lãnh đạo các cơ quan báo chí tham dự hội nghị. Theo báo cáo tổng kết công tác báo chí năm 2023, công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh… được chú trọng, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa tích cực.
Đại biểu dự hội nghị. |
Đặc biệt là thông tin về hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước; công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngang tầm với tuyên truyền phát triển kinh tế theo đúng định hướng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Việc chấn chỉnh, xử lý các hành vi sai phạm trong hoạt động báo chí được triển khai quyết liệt; chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để hỗ trợ báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng…
Nguy cơ không theo kịp truyền thông xã hội
Mô hình Tòa soạn hội tụ của Báo Quảng Ngãi. |
Bên cạnh đó, công tác báo chí năm 2023 vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và một số hạn chế, bất cập. Đó là, nguy cơ báo chí không theo kịp sự phát triển rất nhanh của truyền thông xã hội cả về nội dung, khả năng dẫn dắt, định hướng thông tin, phương thức tiếp cận công chúng, làm chủ công nghệ và thu hút nguồn thu.
Một số cơ quan báo chí chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong tình hình hiện nay. Tình trạng phóng viên, cộng tác viên bị khởi tố, bắt tạm giam, truy tố, xét xử vì vi phạm pháp luật, lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để trục lợi có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín và niềm tin của công chúng đối với báo chí.
Trước thực tế đó, đòi hỏi các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; các cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí cần phát huy những kết quả đạt được trong năm 2023; khắc phục có hiệu quả những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhằm xây dựng thành công nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Tôi mong các nhà báo phải là người tử tế
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu trao đổi tại hội nghị. |
Phát biểu trao đổi tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao kết quả mà hệ thống báo chí cả nước đạt được trong năm 2023. Đồng thời, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục khắc phục những mặt còn yếu, một số sai phạm; nâng cao trách nhiệm, nhất là của cơ quan chủ quản báo chí. "Với nhà báo, tôi mong muốn các nhà báo, đầu tiên phải là người tử tế. Nếu các đồng chí không làm tử tế thì sản phẩm, tác phẩm của các đồng chí chắc chắn cũng không tử tế được", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ trong thời gian đến, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan báo chí, người làm báo tiếp tục đồng hành, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong định hướng dư luận. Các cơ quan báo chí cần sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng mạnh hơn, gọn hơn, chuyên nghiệp hơn để sản phẩm báo chí hấp dẫn hơn.
Về vấn đề chuyển đổi số báo chí, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, kết quả chuyển đổi số không phải nằm ở phần mềm, phần cứng, mà nằm ở ý chí của người đứng đầu. Do đó, người đứng đầu không thực sự quyết tâm thì khó có thể có kết quả tốt được.
Báo chí cần tăng cường chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh với các phương tiện truyền thông khác. Bởi lẽ, thực tế hiện nay, khi mở điện thoại ra, người ta thích lướt xem TikTok, thích Facebook hơn đọc báo điện tử… Nếu không cạnh tranh, tỷ lệ quảng cáo của báo chí sẽ sụt giảm, ảnh hưởng đến chi phí hoạt động, đến đời sống cán bộ, công nhân viên. Không có cách nào khác, chúng ta phải hay hơn, hấp dẫn hơn thì tỷ lệ quảng cáo mới có thể tăng lên.
Về vấn đề tài chính cho báo chí, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, sẽ có sự hài hòa giữa ngân sách Nhà nước và ngân sách do chính cơ quan báo chí tự lo liệu được, theo nguyên tắc báo chí sống được nhưng cũng không triệt tiêu đi sự phấn đấu nỗ lực vươn lên của các cơ quan báo chí. Do vậy, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chủ yếu cho hoạt động đổi mới và đào tạo. Các cơ quan chức năng cần quan tâm đến công tác tài chính của các cơ quan báo chí để thúc đẩy chuyển đổi số báo chí và thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền.
Xây dựng thành công cơ quan báo chí “Chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà các cơ quan báo chí, người làm báo cả nước đạt được trong năm 2023. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò, sự nỗ lực bền bỉ, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận hội nghị. |
Về nhiệm vụ năm 2024, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí, các cấp hội nhà báo, đặc biệt là các cơ quan báo chí, người làm báo cần tiếp tục phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được; đề ra giải pháp khắc phục triệt để những hạn chế, khuyết điểm; phấn đấu thực hiện thành công cơ quan báo chí “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
Hoàn thiện thể chế pháp luật về báo chí, trong đó, quan trọng nhất là sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và hoàn thành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, tạo điều kiện để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin, trong chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Năm 2024, cần tập trung xử lý dứt điểm, căn cơ tình trạng vi phạm của cơ quan báo chí, người làm báo, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét, lấy lại được niềm tin của công chúng đối với báo chí...
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, các nền tảng truyền thông mới, truyền thông xã hội, báo chí phải kiến tạo được dòng thông tin tích cực, chủ lưu, lan tỏa mạnh mẽ, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về những điều tốt đẹp trong xã hội. Qua đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, những cách làm hay, những mô hình mới; cung cấp những tri thức quý báu của nhân loại cho công chúng; bồi đắp, củng cố và phát huy những giá trị tốt đẹp, đạo đức và văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bài, ảnh: PV
TIN, BÀI LIÊN QUAN