Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội 

14:26, 19/12/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội có quan hệ mật thiết, tác động và quyết định lẫn nhau trong tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước ta. 

Độc lập dân tộc là khát vọng, cũng là tiền đề để đưa đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) được tiến hành thuận lợi; CNXH là mục tiêu cao cả, là đích phải đi tới và cũng là điều kiện để bảo đảm, củng cố độc lập dân tộc chân chính. Vì vậy, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là quy luật phát triển của cách mạng và dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Từ khi mô hình CNXH ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, một số người dao động, hoài nghi giá trị CNXH, muốn đất nước phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Trước tình hình đó, Đảng đã kiên quyết bác bỏ quan điểm sai lầm đó. 

Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa VI (tháng 3/1989), Đảng đã khẳng định một lần nữa: Đi lên CNXH là con đường tất yếu của nước ta, xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa là mục tiêu, là lý tưởng của Đảng và nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Nhân dân Việt Nam đã thể hiện sự đồng tình ủng hộ con đường đi lên CNXH bằng việc nỗ lực phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Quang cảnh Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: VGP
Quang cảnh Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: VGP

Trong tiến trình đổi mới, Đảng nhận diện ngày càng rõ hơn vấn đề độc lập dân tộc và CNXH trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tiến trình đổi mới là sự tiếp tục vận động của những quan niệm mới về CNXH và con đường xây dựng CNXH của Đảng, được hình thành dựa trên những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát triển những nhận thức đúng đắn mà Đảng đã nhận thức được trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. 

Nhận thức của Đảng, của nhân dân Việt Nam về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản.

Từ thực tiễn 25 năm đổi mói toàn diện đất nước (1986 - 2011), tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (năm 2011), Đảng đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn. Trong đó, bài học quan trọng hàng đầu được khái quát là: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thể hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là 2 nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau”.

Nhằm tạo động lực tổng hợp để đổi mới và hội nhập, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016), Đảng nêu rõ mục tiêu: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tháng 1/2021), Đảng đã đưa ra quan điểm chỉ đạo về tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước. Trong đó, Đảng nhấn mạnh: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Quan điểm của Đảng dựa trên cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và cơ sở thực tiễn từ lịch sử cách mạng Việt Nam.

Đời sống người dân huyện Ba Tơ ngày càng khởi sắc, ấm no.
Đời sống người dân huyện Ba Tơ ngày càng khởi sắc, ấm no. Ảnh: UYÊN ANH

Nhìn lại gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. 

Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. 

Đó chính là thành quả của quá trình Đảng luôn kiên định, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển chung của thế giới.

UYÊN ANH

 

Xuất bản lúc: 14:26, 19/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.