Tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số:

Cách làm sáng tạo ở Quảng Ngãi (kỳ cuối)

15:50, 26/08/2023
.
 

 

 

(Báo Quảng Ngãi)- Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, việc tạo nguồn và phát triển đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số phải đảm bảo tính khả thi, có lộ trình thực hiện một cách cụ thể; không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, điều kiện. Các cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo và thực hiện với tinh thần quyết tâm cao nhất.

 

Trong nhiều nhiệm kỳ qua, TX.Đức Phổ đều không đạt tỷ lệ cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong Ban Thường vụ (BTV) Thị ủy, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ thị xã. Để khắc phục điều này, địa phương đã chủ động rà soát, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, kết hợp với đánh giá cán bộ nữ, cán bộ trẻ qua thực tiễn công tác. Đồng chí nào nổi trội, được tín nhiệm cao đều được xem xét đưa vào danh sách dự kiến quy hoạch. Đồng chí nào chưa đi cơ sở thì bố trí về cơ sở công tác; thiếu các chứng chỉ nghiệp vụ thì đưa đi bồi dưỡng, đào tạo.

Bí thư Thị ủy Đức Phổ Nguyễn Kiên cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, thị ủy đã đề ra giải pháp khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ. Đến nay, tỷ lệ cơ cấu cán bộ trẻ đã đảm bảo, nhưng tỷ lệ cán bộ nữ vẫn chưa đảm bảo. Do đó, Thị ủy đã tổ chức đưa cán bộ nữ về cơ sở để tiếp tục đào tạo, rèn luyện khả năng lãnh đạo, điều hành, chuẩn bị nguồn nhân sự có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 2025 - 2030.

“Để có cán bộ nữ tham gia trong BTV Thị ủy thì phải xây dựng kế hoạch từ lúc tham gia BCH Đảng bộ thị xã. Thực tiễn cho thấy, để đảm bảo tỷ lệ theo cơ cấu thì việc quy hoạch phải có số dôi lớn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của hệ thống chính trị trong việc tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ, tin rằng trong nhiệm kỳ tới địa phương sẽ đảm bảo đạt và vượt tỷ lệ đề ra”, Bí thư Thị ủy Đức Phổ Nguyễn Kiên cho biết.

Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ gặp gỡ, nắm bắt nguyện vọng của nhân dân, người có uy tín.
Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ gặp gỡ, nắm bắt nguyện vọng của nhân dân, người có uy tín.

Là địa bàn miền núi và là địa phương duy nhất của tỉnh thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, nên hiện nay, huyện Trà Bồng gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết số lượng cán bộ dôi dư. Do đó, trong quy hoạch lần đầu nhiệm kỳ 2025 - 2030, huyện không có cán bộ trẻ để đưa vào quy hoạch; tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số (DTTS) thấp hơn so với quy định. Song, theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Trà Bồng Hồ Thị Vân, thì điều này không đáng lo ngại, vì huyện đã có giải pháp cho công tác này.

Ngoài việc tạo nguồn trong số cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS còn đủ tiêu chuẩn cho 1 - 2 nhiệm kỳ đến, nhưng chưa đưa vào quy hoạch, huyện Trà Bồng đang nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách mới để tạo nguồn cán bộ người DTTS thông qua tuyển dụng sinh viên người DTTS đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học...

Bí thư Đảng uỷ xã Hành Thiện Ngô Thị Kiều Diễm - 1 trong 5 cán bộ trẻ đang công tác ở cấp uỷ đưa về cơ sở đang khảo sát mô hình đường hoa, đường cây ở thôn Vạn Xuân.
Bí thư Đảng ủy xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) Ngô Thị Kiều Diễm khảo sát mô hình đường hoa ở thôn Vạn Xuân.

 

Sau đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, số lượng cán bộ là người DTTS đảm nhận một số vị trí ở các cơ quan trên địa bàn tỉnh đảm bảo tỷ lệ. Tuy nhiên, cán bộ là người DTTS ở các huyện miền núi lại thấp hơn mức bình quân chung của cả tỉnh. Từ khi Tỉnh ủy ban hành Đề án số 08, các huyện miền núi đã kịp thời cụ thể hóa thành chương trình hành động, kế hoạch để triển khai thực hiện. Nhờ đó, đến nay cán bộ là người DTTS đã tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng.

 

Để việc thực hiện Đề án số 08 đạt hiệu quả, tạo nguồn cán bộ lâu dài, BTV Tỉnh ủy xác định phải thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ. Đó là, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển và các chính sách đối với cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS. Cấp ủy cấp huyện căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để cụ thể hóa tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS cho phù hợp. Với các huyện miền núi, tỷ lệ cán bộ là người DTTS phải cao hơn so với các huyện đồng bằng.

 

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na (thứ ba từ trái sang) trao đổi với cán bộ hội LHPN các cấp về công tác cán bộ nữ. Ảnh: Hiền Thu
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na (thứ ba từ trái sang) trao đổi với cán bộ hội LHPN các cấp về công tác cán bộ nữ. Ảnh: Hiền Thu

 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đặc biệt quan tâm đến tỷ lệ cán bộ nữ tối thiểu phải giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng trong từng cơ quan, đơn vị, nhằm đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ở các cấp theo quy định. Xóa bỏ các rào cản do định kiến giới tác động đến việc trao quyền cho phụ nữ. Khi ban hành chính sách, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu lồng ghép các chính sách ưu tiên mang tính chất đặc thù đối với cán bộ nữ. Tích cực tạo nguồn, phát hiện nhân tố mới và kịp thời bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ nữ. Ưu tiên xem xét bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ nữ ứng cử đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp đã được quy hoạch, bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng và chủ động giữa các thế hệ cán bộ nữ.

Cùng với đó là, kịp thời phát hiện những cán bộ trẻ tài năng trong hoạt động công vụ, có thành tích nổi bật qua các hoạt động phong trào thi đua ở cơ sở, có chiều hướng phát triển để xem xét, lựa chọn đưa vào quy hoạch các chức danh thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý, nhằm tạo nguồn cán bộ đa dạng, phong phú mang tính kế thừa, phát triển liên tục. Chủ động trong việc xây dựng kế hoạch tạo nguồn, đào tạo và có chính sách cụ thể thu hút cán bộ trẻ. Quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ. Các cấp ủy cần phải mạnh dạn trong việc bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ trẻ. Xây dựng môi trường công tác lành mạnh, thông thoáng để cán bộ trẻ được rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, tuyệt đối tin tưởng vào tổ chức.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần chủ động tuyển dụng, phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng cán bộ người DTTS phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Rà soát, đánh giá cụ thể chất lượng cán bộ người DTTS để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đúng đối tượng, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nghiên cứu xây dựng chính sách có tính đặc thù trong tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ người DTTS ứng cử giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Xác định cụ thể tỷ lệ tối thiểu cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và tại các cơ quan trực tiếp làm công tác dân tộc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, việc triển khai thực hiện Đề án số 08 không chỉ là bước đột phá trong công tác cán bộ của tỉnh, mà còn cho thấy sự quan tâm của tỉnh đối với cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người DTTS. Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất coi trọng công tác quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ trước mắt và lâu dài, nhằm đảm bảo trước khi đại hội các địa phương có đủ số lượng theo đúng cơ cấu, tỷ lệ mà Đề án đề ra. Tiêu chuẩn đối với cán bộ là người DTTS có thể thấp hơn yêu cầu chung đối với cán bộ, nhưng phải đảm bảo về trình độ chuyên môn. Có như vậy thì việc thực hiện Đề án mới đảm bảo tính khả thi.

 
MỤC TIÊU TRONG NHIỆM KỲ
2025 - 2030, 2026 – 2031
 
Các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIII. Ảnh TL
Các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIII. Ảnh TL
Phấn đấu có tỷ lệ cán bộ nữ trong BCH Đảng bộ tỉnh từ 15% trở lên; có cán bộ nữ trong BTV Tỉnh ủy và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, UBND tỉnh. Cán bộ nữ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý từ 20% trở lên trong tổng số cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý. Đối với cấp huyện, có tỷ lệ cán bộ nữ từ 17% trở lên trong cấp ủy cấp huyện; 100% BTV cấp ủy cấp huyện có cán bộ là nữ.
 
Tỷ lệ cán bộ trẻ dưới 40 tuổi trong BCH Đảng bộ tỉnh đạt từ 10% trở lên; phấn đấu có cán bộ dưới 45 tuổi trong BTV Tỉnh ủy hoặc Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh. Cán bộ trẻ dưới 40 tuổi giữ chức danh diện BTV Tỉnh ủy quản lý đạt từ 12% trở lên; đối với cấp huyện, chiếm từ 15% trở lên trong cấp ủy cấp huyện. Có ít nhất 70% huyện ủy, thị ủy, thành ủy và Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh có cán bộ trẻ dưới 40 tuổi trong BTV cấp ủy cấp huyện.
 
Tỷ lệ cán bộ người DTTS trong BCH Đảng bộ tỉnh tối thiểu từ 5 đồng chí trở lên; có cán bộ người DTTS tham gia BTV Tỉnh ủy hoặc Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, UBND tỉnh. Tại các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long, Sơn Tây, Trà Bồng có cán bộ người DTTS giữ các chức danh thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý đạt từ 35% trở lên. Mỗi huyện này có ít nhất 40% cán bộ người DTTS giữ các chức vụ lãnh đạo trong thường trực cấp ủy cấp huyện hoặc Phó Chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện.

 

Nội dung: T.THUẬN -  T.PHƯƠNG - K.NGÂN - H.THU
Trình bày: L.H

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


 

Xuất bản lúc: 15:50, 26/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.