(Baoquangngai.vn)- Kiến thiết đất nước cần phải có nhân tài, chính vì vậy, ngay sau khi giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tục kêu gọi “các bậc hiền nhân” khắp nơi ra giúp nước. Báo chí cách mạng lúc bấy giờ là một kênh thông tin để Chính phủ tìm kiếm hiền tài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Tư liệu |
Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên báo Cứu Quốc - cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, số ra ngày 14/11/1945 đăng trang trọng bài của tác giả Hồ Chí Minh, nhan đề “Nhân tài và kiến quốc”. Mở đầu bài báo viết: “Sau 80 năm bị bọn Pháp thực dân giày vò, nước Việt Nam ta cái gì cũng kém cỏi, chỉ có lòng sốt sắng của dân là rất cao. Nay muốn giữ nền độc lập thì chúng ta phải đem hết lòng hăng hái đó vào con đường kiến quốc. Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi”.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta cần nhất bây giờ là: Kiến thiết ngoại giao/ Kiến thiết kinh tế/ Kiến thiết quân sự/ Kiến thiết giáo dục. Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì hãy gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay”.
Một năm sau, cũng trên báo Cứu Quốc số ra ngày 20/11/1946, đăng bài “Tìm người tài đức”, ghi rõ chức danh người viết là Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: Tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.
Không chỉ báo chí trung ương, báo chí của các khu, miền thời kỳ này cũng tham gia “tìm người tài đức”. Báo Kháng Chiến - cơ quan Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ, số ra ngày 12/1/1947, trên trang 1 có bài “Hồ Chủ tịch kêu gọi”. Bài viết chưa đầy 100 chữ nhưng chứa đựng nhiều thông tin thiết thực: “Quốc gia hữu sự, Hồ Chủ tịch gửi lời kêu gọi các bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, luật sư, giáo sư, kỹ sư, các nhà chuyên môn, các nhà văn hóa, anh em sinh viên trường đại học và các trường trung học xin đến ghi tên ngay tại ủy ban hành chính chỗ mình ở để Chính phủ có thể tìm công tác cho những người ấy. Tổ quốc lúc này cần đến hết tài năng và lực lượng của quốc dân, các bậc nhân tài hãy ra giúp việc cho Chính phủ”.
Sự chân thành và cầu thị của Chính phủ, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lay động con tim, khối óc của nhiều nhân sĩ trí thức đương thời. Những nhà nho yêu nước như: Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Nguyễn Văn Tố, Vi Văn Định; những trí thức trẻ tuổi như Vũ Đình Hòe, Phan Anh, Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai; những Việt kiều yêu nước như các kỹ sư Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Võ Đình Quỳnh, Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước... đã sẵn sàng gạt bỏ riêng tư, có người từ bỏ mức lương hàng chục cây vàng mỗi tháng ở nước ngoài để về nước, lên chiến khu, cùng với Chính phủ Hồ Chí Minh thực hiện công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Có người trực tiếp tham gia Chính phủ, được cử giữ những cương vị cao như cụ Bùi Bằng Đoàn làm Cố vấn Chính phủ, cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP.Hà Nội, kỹ sư Trần Đại Nghĩa làm Cục trưởng Cục Quân giới...
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trân trọng những cống hiến của các bậc nhân sĩ trí thức đối với công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Trong bài “Anh hùng và chiến sĩ trí thức”, dưới bút danh C.B đăng trên báo Nhân Dân - cơ quan của Trung ương Đảng, số 70 ra ngày 14/8/1952, Người nhấn mạnh: “Dưới chế độ dân chủ mới, những người lao động trí óc, cũng như lao động chân tay, đều có dịp phát huy và phát triển tài năng của mình, nhằm mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Vì vậy, họ được đồng bào kính trọng, được Chính phủ và đoàn thể nêu cao. Trong đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu, người ta thấy kỹ sư Trần Đại Nghĩa được bầu làm 1 trong 3 Anh hùng Lao động. Trong số 40 chiến sĩ lao động toàn quốc, thì có những nhà khoa học nổi tiếng như các bác sĩ Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Hoàng Đình Cầu, Nguyễn Đức Khởi, kỹ sư Đặng Văn Vinh, thi sĩ Tú Mỡ và nhiều vị khác. Điều đó chứng tỏ: Chính phủ kháng chiến rất quý trọng những người trí thức chân chính. Những người trí thức chân chính đều hăng hái tham gia kháng chiến”.
Cảm phục tài năng, đức độ, sự chân thành và cầu thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều nhân sĩ trí thức đã xả thân cống hiến cho đất nước đến hơi thở cuối cùng. Cụ Huỳnh Thúc Kháng khi lâm trọng bệnh trong chuyến công tác ở Nam Trung Bộ đã để lại Di ngôn đăng trên báo Kháng Chiến khiến nhiều người xúc động: “Kính gửi Hồ Chủ tịch. Tôi bệnh nặng chắc không khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã được độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không gặp được Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân đến đường vinh quang, hạnh phúc. Huỳnh Thúc Kháng” (Báo Kháng Chiến số ra ngày 27/4/1947).
Nhớ lại một thời báo chí góp sức tìm kiếm hiền tài cho đất nước, càng khiến chúng ta tăng thêm lòng tự hào về Đảng, Bác Hồ, về truyền thống vinh quang của nền báo chí cách mạng.
HÀ MINH ĐÍCH