Cảm xúc tháng Tư

14:22, 03/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- 1. Đã 48 năm trôi qua kể từ thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975, mỗi lần nhớ lại, trong tôi luôn dâng trào. Đó là, tự hào về đất nước có lực lượng vũ trang hùng mạnh đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; xúc động về cảnh sum họp của ngày hòa bình; vui sướng khi được hít thở bầu không khí tự do. Sâu nặng hơn cả là lòng biết ơn sự hy sinh của bao lớp người để non sông thu về một mối, đất nước liền một dải. 

Ngày 30/4/1975 vì thế mang nhiều ý nghĩa, không chỉ là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mà còn là ngày sum họp, ngày hòa bình, ngày thống nhất non sông. Lịch sử luôn là dòng chảy bất tận, nhưng ngày 30/4/1975 mãi mãi khắc ghi trong tâm trí nhiều thế hệ. Ngày trọng đại ấy trở thành gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, bước ngoặc mở ra tương lai. Có lẽ vì thế mà những người đã từng đi qua lửa đạn, nếm trải mất mát, đau thương trong chiến tranh và cả thế hệ may mắn được thừa hưởng không khí tự do đều thấu hiểu giá trị của độc lập và khát vọng hòa bình.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh thực hiện nghi lễ chào cờ.     Ảnh: Thanh Duy
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh thực hiện nghi lễ chào cờ.     Ảnh: Thanh Duy

Bốn mươi tám năm trước, vào ngày 24/3/1975, khi tỉnh Quảng Ngãi được giải phóng, chúng tôi là lứa học sinh chuẩn bị bước vào cấp ba. Lớp đàn anh nhiều người hăm hở xung phong vào bộ đội để cùng đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Thời ấy, hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ giản dị, mộc mạc nhưng vô cùng hấp dẫn đối với nhiều thanh niên mới lớn.

Một tuần sau ngày 24/3/1975 lịch sử, tại sân vận động Diên Hồng (TX.Quảng Ngãi) diễn ra cuộc mít tinh lớn chào mừng tỉnh Quảng Ngãi và TX.Quảng Ngãi hoàn toàn giải phóng; đồng thời ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh và Ủy ban quân quản TX.Quảng Ngãi. Chừng hơn 2 tháng sau ngày thiết lập chính quyền mới, các trường học cấp 3 mở cửa đón học sinh nhưng không phải để học mà để... tập hát và tham gia lao động công ích, điều tra dân số và phân công đi dạy bổ túc văn hóa.

Những ngày tháng Tư rạo rực ấy đã trở thành ký ức sâu đậm trong lòng nhiều học sinh ở Quảng Ngãi. Vào những buổi chiều, có khi cả buổi tối, chúng tôi tụ họp để tập hát những ca khúc cách mạng. Hướng dẫn chúng tôi không ai xa lạ, chính là những thầy giáo của Trường Trung học Trần Quốc Tuấn đã nhiều lần tổ chức các cuộc biểu tình chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, mà đỉnh cao là cuộc biểu tình chống Mỹ  - Thiệu của học sinh Quảng Ngãi vào ngày 17/10/1974 nổi tiếng khắp miền Nam. Không chỉ báo chí Sài Gòn, mà cả Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam đều đưa tin về sự kiện này.

Những bài hát cách mạng với giai điệu hào hùng, khỏe khoắn, thúc giục lòng người đi tới như “Giải phóng miền Nam” của Huỳnh Minh Siêng, “Bão nổi lên rồi” của Trọng Bằng, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” của Phạm Tuyên, “Tiến về Sài Gòn” của Lưu Hữu Phước, “Đôi dép Bác Hồ” của Văn An, và cả những ca khúc tiến bộ của sinh viên đấu tranh ở miền Nam được thầy trò chúng tôi hát say sưa quên cả mệt và đói. Mãi về sau này, khi nhớ lại những ngày tập hát những ca khúc cách mạng, tôi không hiểu mình và các bạn thuở ấy lấy đâu ra sức lực và cả nhiệt huyết để hát có khi cả tuần liền với tinh thần yêu âm nhạc vô bờ bến. Và cũng chính nhờ những ca khúc ấy, chúng tôi hiểu hơn về cách mạng và cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

2. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng vết thương của quá khứ vẫn còn đó. Trong căn phòng lớn của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP.Hồ Chí Minh có tấm pa nô chỉ khắc vài dòng chữ, nhưng khiến ai đọc cũng nhói tim: “Sau cuộc chiến tranh 30 năm (1945 - 1975), dân tộc Việt Nam đã chịu những tổn thất nặng nề: Hơn 3 triệu người chết (trong đó có 2 triệu dân thường), khoảng 2 triệu người bị thương, 300 nghìn người mất tích”. Trên Đài Truyền hình Việt Nam, mục “Đi tìm đồng đội” hằng ngày vẫn đều đặn câu nói của người dẫn chương trình “Ai biết phần mộ liệt sĩ... nằm ở đâu, xin nhắn về...”. Lời nhắn thiết tha, mong mỏi kiếm tìm là sự chờ đợi của biết bao gia đình. Nhắn là để tìm phần mộ, hài cốt liệt sĩ nhưng nghĩ cho cùng thì đây là lời nhắn gửi cho thế hệ hôm nay và mai sau, những người được thừa hưởng thành quả cách mạng, giá trị do hòa bình đem lại là hãy ra sức học tập, lao động, giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 mãi mãi trong trái tim của người dân Việt Nam, dù trực tiếp chứng kiến hay chỉ biết qua chuyện kể, phim ảnh, tư liệu lịch sử. Tôi đã xem bộ phim tư liệu: “30 tháng 4 năm 1975: Tôi là công dân nước tự do” của đạo diễn trẻ Bùi Hồng Diệp. Phim khắc họa một số khuôn mặt công dân tiêu biểu của TP.Hồ Chí Minh sinh đúng ngày 30/4/1975 với một thông điệp rất mạnh mẽ: Chiến tranh đi qua, quá khứ đã khép lại nhưng mỗi một kết thúc sẽ luôn mang đến một sự khởi đầu. 

Thời khắc ngày 30/4/1975 không chỉ là sự khởi đầu của một đất nước độc lập, tự do, mà còn là điểm khởi đầu để dựng xây đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời căn dặn của Bác Hồ.


THANH TÁNH



 


Ý kiến bạn đọc


.