Sáng 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND. Đây là dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh sự cần thiết ban hành một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 - Ảnh: VGP/ĐH |
Cần thiết phải ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 85
Đề cập đến cơ sở thực tiễn của việc cần thiết sửa đổi Nghị quyết số 85, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết quá trình tổng kết, đánh giá Nghị quyết số 85/2014/QH13 cho thấy, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người trên tổng số 50 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, kết quả không có trường hợp nào có hơn 50% tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá "tín nhiệm thấp".
HĐND các cấp đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 99.836 người, hầu hết đều đạt hơn 50% số phiếu "tín nhiệm cao"; tỉ lệ người có số phiếu "tín nhiệm thấp" ở các cấp, cụ thể như sau: Cấp tỉnh, có 2/1.750 người, chiếm tỉ lệ 0,11%; ở cấp huyện 25/13.852 người, chiếm tỉ lệ 0,18%; ở cấp xã 186/84.234 người, chiếm tỉ lệ 0,22%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị quyết số 85 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, Nghị quyết chỉ quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng không quy định rõ về thời hạn thực hiện, dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước;
Phiếu lấy phiếu tín nhiệm và phiếu bỏ phiếu tín nhiệm còn sử dụng cùng một tên (Phiếu tín nhiệm) nên dễ dẫn đến nhầm lẫn;
Hướng dẫn việc triển khai hình thức công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người được lấy phiếu tín nhiệm chưa kịp thời nên khi triển khai còn lúng túng;
Biểu mẫu báo cáo kết quả công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm còn chung chung, chưa cụ thể nên một số báo cáo còn sơ sài, chưa nêu rõ được những tồn tại, hạn chế của bản thân và phương hướng khắc phục trong thời gian tới, gây khó khăn cho đại biểu trong việc đánh giá mức độ tín nhiệm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban Công tác đại biểu phối hợp với các cơ quan tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết - Ảnh: VGP/ĐH |
Kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho hay mục đích, yêu cầu của việc sửa đổi Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và pháp luật; bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ.
Đồng thời, bảo đảm tính kế thừa, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong các văn bản về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị quyết số 85/2014/QH13, tập trung sửa đổi, bổ sung, làm rõ hơn những điều, khoản chưa phù hợp, rõ ràng, chặt chẽ...
Về bố cục, dự thảo Nghị quyết giữ nguyên kết cấu 18 điều như Nghị quyết số 85, trong đó sửa đổi, bổ sung 13/18 điều và bổ sung 3 biểu mẫu mới.
Nội dung chủ yếu của Nghị quyết bao gồm: Phạm vi điều chỉnh; mục đích, yêu cầu, nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm; các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm; phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và việc xác định phiếu hợp lệ; kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; điều khoản thi hành.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13; cho rằng Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được Ban Công tác đại biểu chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, Ban Công tác đại biểu đã tổ chức lấy ý kiến của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ươngvà các cơ quan, tổ chức có liên quan; báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội và tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 5 theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm bảo đảm việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND theo quy định mới sẽ được thực hiện tại kỳ họp cuối năm 2023, đáp ứng yêu cầu tại Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu thảo luận của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Ban Công tác đại biểu đã phối hợp với Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tiếp thu bước đầu ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội và hoàn chỉnh hồ sơ dự án Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Công tác đại biểu phối hợp với các cơ quan tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy trình tại 1 kỳ họp.
Theo NGUYỄN HOÀNG/Chinhphu.vn