Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân chủ trì phiên họp HĐND tỉnh. (Ảnh: TL) |
Là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, xuyên suốt trong các nhiệm kỳ, HĐND tỉnh các khóa đã thể hiện vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Không chỉ đổi mới hoạt động các mặt công tác, HĐND tỉnh còn bám sát yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn, kịp thời thể chế, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành các cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách đặc thù, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm huyện nông thôn mới Nghĩa Hành. (Ảnh TL) |
“Có được những tuyến đường này là chính sách hỗ trợ xi măng của nhà nước, người dân chỉ góp tiền, góp ngày công để thực hiện. Từ khi các tuyến đường nông thôn được bê tông, nâng cấp khang trang, đường kênh mương nội đồng được mở rộng, kiên cố, giúp người dân vận chuyển hàng hóa, nông sản rất thuận lợi. Chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn thúc đẩy người dân chung tay hiến đất, đóng góp ngày công để làm đường”. Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Phước Xã,
xã Đức Hòa (Mộ Đức) NGUYỄN VĂN VĨNH
|
Trước đây, mỗi lần chở hàng hóa từ nhà đến chợ để bán, bà Trần Thị Đào, ở thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) phải hì hục dắt xe trên con đường đất trước nhà. Năm 2019, đường được đầu tư bê tông từ cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, người dân đóng góp thêm kinh phí, ngày công để làm đường. Ngày tuyến đường hoàn thành, bà Đào và người dân xung quanh hân hoan niềm vui. Bà chỉ cần đưa hàng hóa lên xe máy rồi chạy bon bon từ nhà đến chợ. Đến mùa gặt, người dân trong xóm chở lúa về đến tận nhà, không còn cảnh khuân vác như ngày trước. Khi tuyến đường được bê tông, người dân đã trồng hoa dọc hai bên để góp phần tạo cảnh quan làng quê xanh, sạch đẹp.
Nghĩa Hành là huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vào năm 2018. Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong huyện chung sức, đồng lòng thực hiện các tiêu chí, trong đó có tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Trong số các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí giao thông được xem là “tiêu chí nặng”, bởi đòi hỏi nhiều kinh phí. Xuất phát từ thực tiễn ở Nghĩa Hành và nhiều địa phương khác, HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã ban hành Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND về Đề án Phát triển giao thông nông thôn, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2020.
Các đại biểu HĐND huyện Nghĩa Hành trao đổi bên lề kỳ họp. (Ảnh TL) |
Nghị quyết này ra đời đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn người dân. UBND tỉnh cũng ban hành Đề án và bố trí 187 tỷ đồng để hỗ trợ xi măng cho các xã bê tông hóa các tuyến đường. Giai đoạn 2016 – 2020 có gần 2.400km đường giao thông nông thôn thực hiện từ cơ chế hỗ trợ của tỉnh. Mục tiêu ban đầu là phấn đấu đến cuối năm 2020 có 78 xã đạt tiêu chí giao thông trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, nhưng đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 92 xã và 3 huyện đạt tiêu chí giao thông.
Các Nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành đều đúng với chủ trương của Đảng và xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương. Nghị quyết xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu và biện pháp, giải pháp thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi. Đồng thời, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; bảo đảm an sinh xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân, bảo đảm tính hợp lý, hài hòa giữa các vùng miền, giữa các lĩnh vực và địa phương trong tỉnh.
Nhờ xây dựng huyện nông thôn mới, Nghĩa Hành đã đầu tư xây dựng thương hiệu cây ăn quả. (Ảnh: TL) |
Điều đáng ghi nhận là, không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, từ nghị quyết này đã lan tỏa tinh thần chung sức của người dân trên địa bàn tỉnh trong việc đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất, tháo dỡ bờ rào, phát quang cây cỏ ... để xây dựng đường giao thông nông thôn. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng phát triển, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, đóng góp tích cực vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Giai đoạn 2016 - 2020, từ Nghị quyết của HĐND tỉnh, gần 12.000 tỷ đồng đã được huy động để xây dựng các xã đạt các tiêu chí. UBND tỉnh cũng ban hành Đề án và bố trí 187 tỷ đồng để hỗ trợ xi măng cho các xã bê tông hóa các tuyến đường.
Hiệu quả từ những cánh đồng lớn
Huyện Mộ Đức thực hiện thành công chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn của tỉnh. (Trong ảnh: Lễ hội ngày mùa ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức). Ảnh: TL |
Từ năm 2013 - 2020, trên cơ sở Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND ngày 10/7/2013 của HĐND tỉnh thông qua chính sách hỗ trợ thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa” đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2013 - 2020; Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND ngày 15/7/2016 của HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 1 Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND ngày 10/7/2013 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 34/2013/QĐ-UBND ngày 07/8/2013 Ban hành Quy định chính sách hỗ trợ thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa” đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2013 - 2020; Quyết định số 50/2016/QĐ-UBND ngày 15/9/2016 Quy định chính sách hỗ trợ thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa” đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2020 đã khuyến khích, đẩy mạnh thực hiện công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn tỉnh.
|
Với sự nỗ lực từ các cấp chính quyền; các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, nhất là sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, công tác “dồn điền đổi thửa” đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được triển khai rộng khắp, góp phần quan trọng trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh thực hiện dồn điền đổi thửa trên khoảng 263 cánh đồng, hơn 7.600ha, với tổng kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 109 tỷ đồng. Nhiều địa phương đã triển khai công tác dồn điền đổi thửa đạt kết quả tốt như huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi.
Chính sách này ra đời đã mang lại hiệu quả lớn, hợp lòng dân, làm thay đổi tư duy nhận thức của người dân về chủ trương dồn điền đổi thửa. Từ đó, việc tổ chức sản xuất, gieo trồng trên thửa đất mới thuận lợi, tạo động lực thúc đẩy cơ giới hóa; giảm các chi phí nhân công làm đất, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch sản phẩm. Hiệu quả về kinh tế thì tăng lên rõ rệt so với trước đây, ước tính tăng khoảng trên 30% - 40% giá trị.
Trưởng thôn Hiệp An, xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ) Huỳnh Ngọc Thanh cho biết, chính sách hỗ trợ cho công tác dồn điền đổi thửa đã làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân rất lớn. Vì người nông dân lâu nay đã quen với việc “sở hữu” ruộng đất của mình, không dễ gì mà lấy ruộng đất nhập chung lại rồi chia ra được. Nhưng khi có chủ trương này, với sự kiên trì, bền bỉ vận động của cấp ủy, chính quyền và các hội đoàn thể, người dân thấy rõ lợi ích của chủ trương, nên họ đồng thuận rất cao. Bình quân sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, mỗi hộ giảm còn 1 - 2 thửa ruộng/hộ (trước khi dồn điền đổi thửa bình quân mỗi hộ có từ 3 - 4 thửa ruộng/hộ), tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa địa phương về đích nông thôn mới và hướng tới mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024.
Mộ Đức phát triển mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao. Ảnh: TL |
Là huyện thuần nông, Mộ Đức được biết đến như là vựa lúa hình mẫu, điển hình của Quảng Ngãi. Huyện đã nỗ lực thực hiện thành công chủ trương dồn điền đổi thửa. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộ Đức Nguyễn Ngọc Tưởng cho biết, nhờ có chính sách hỗ trợ dồn điền đổi thửa giai đoạn 2013 – 2020, huyện đã thực hiện trên 2.000ha, trong đó có những địa phương làm tốt như xã Đức Phú, Đức Hòa… Từ những cánh đồng nhỏ lẻ, manh mún, nhờ dồn điền đổi thửa đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, các cánh đồng mẫu lớn phù hợp với điều kiện của từng địa phương, giúp đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, tiết kiệm chi phí đầu tư sản xuất, đường nội đồng mở ra giúp người dân vận chuyển vật tư, hàng hóa, nông sản thuận tiện. Năng suất lúa tăng lên rõ rệt, từ 55 – 57 tạ/ha, lên 65 tạ/ha.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, HĐND tỉnh đã ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù của riêng Quảng Ngãi, như Quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện một số nội dung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cấp xã và khen thưởng công trình phúc lợi cho huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; Đề án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh…
|
THANH THUẬN – BẢO HÒA
Kỳ 2: ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG