Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh: Để đáp ứng kỳ vọng của cử tri

14:28, 30/04/2023
.

Kỳ 3: ĐỒNG HÀNH CÙNG CHÍNH QUYỀN; VÌ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH CỦA CỬ TRI

(Baoquangngai.vn)- Ngày 28/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 168 phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045. Cùng với đó, các ngành chức năng của tỉnh đang hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ hội lớn để Quảng Ngãi hội nhập, phát triển bền vững trong thời gian đến.

Xây dựng cơ chế, tận dụng thời cơ

Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII bắt đầu nhiệm kỳ với nhiều thuận lợi. Đó là, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tập trung triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX… Nhưng đồng thời cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và những bất ổn của nền kinh tế thế giới. Trước bối cảnh đó, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm và đạt nhiều thành tựu quan trọng, được trung ương đánh giá là một trong những điểm sáng nổi bật của cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, tặng quà cho Công nhân Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, tặng quà cho Công nhân Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Thành công của Quảng Ngãi trong giai đoạn này là đã hoàn thành việc xử lý đối với phần hụt thu năm 2019, 2020 (khoảng 6.000 tỷ đồng). Có thể nói đây là một sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của tỉnh; thể hiện sự chỉ đạo, điều hành tài chính ngân sách linh hoạt, hợp lý, khoa học của lãnh đạo tỉnh; sự đồng thuận, ủng hộ của cử tri và cộng đồng doanh nghiệp. Trong 2 năm (2021 – 2022), phần vượt thu ngân sách tỉnh được lập phương án sử dụng hơn 3.000 tỷ đồng, tạo thuận lợi rất lớn trong việc bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, tập trung nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm của tỉnh hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, hỗ trợ các địa phương đầu tư các dự án quan trọng để tạo động lực cho địa phương phát triển, như cầu Thạnh Đức (TX.Đức Phổ); chỉnh trang đô thị TP.Quảng Ngãi; hỗ trợ kinh phí cho huyện Bình Sơn để hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị, từng bước hoàn thiện các tiêu chí để tiến đến thành lập TX. Bình Sơn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra…

Với phương châm đồng hành cùng chính quyền, vì sự phát triển của tỉnh, vì quyền và lợi ích của cử tri, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh khóa XIII đã quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án quan trọng. Đó là, dự án Hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị trục đường Mỹ Trà - Mỹ Khê; Dự án Đầu tư xây dựng kè chống sạt lở kết hợp tạo quỹ đất bờ Bắc sông Trà Khúc; Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển Khu đô thị mới An Phú (đảo Ngọc) ở xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi); dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi…

Qua đó, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cụ thể hoá Nghị quyết số 01 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX về phát triển đô thị, đặc biệt là phát triển đô thị TP.Quảng Ngãi về phía Đông Bắc theo hướng đô thị ven sông; thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021 - 2026) của tỉnh Quảng Ngãi. Từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ trên địa bàn tỉnh theo đúng quy hoạch được duyệt; tăng cường khả năng kết nối, lưu thông từ hai bờ sông Trà Khúc vào trung tâm đảo Ngọc, cũng như kết nối giao thông giữa hai bờ sông của TP.Quảng Ngãi; thúc đẩy mở rộng và phát triển không gian đô thị TP.Quảng Ngãi về phía Đông. Sau khi hoàn thành sẽ tạo điểm nhấn không gian kiến trúc, xây dựng biểu tượng cho TP.Quảng Ngãi để tạo ra một đô thị bên sông hiện đại thực sự, làm thay đổi diện mạo, tầm vóc của TP.Quảng Ngãi trong tương lai.

 “Một sứ mệnh mới đặt lên vai Quảng Ngãi, đó là trở thành cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung. Sứ mệnh, vai trò, vị trí của Quảng Ngãi phải khác, phải làm sao đóng góp xứng đáng trong vùng động lực này, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã nhấn mạnh tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào trung tuần tháng 3/2023.


Cùng với đó, HĐND tỉnh cũng kịp thời ban hành các Nghị quyết để cụ thể hoá, thể chế hoá các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm của mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. Đó là, đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo động lực cho phát triển và đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao thứ hạng các chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành 5 nghị quyết quy phạm pháp luật làm cơ sở để UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

“Ngay từ đầu nhiệm kỳ, HĐND khóa XIII đã xác định luôn đồng hành, tạo điều kiện, cơ chế cho chính quyền trong phạm vi quy định của pháp luật, xuất phát từ lợi ích chính đáng của cử tri, nhằm nâng cao đời sống người dân. Để việc đồng hành hiệu quả, từ kinh nghiệm, kết quả của các nhiệm kỳ trước, ở nhiệm kỳ này, chúng tôi chú trọng đổi mới toàn diện các hoạt động, trong đó chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp và thực hiện tốt chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Cùng đó, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, kịp thời tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn, góp phần tạo những thay đổi căn bản diện mạo của tỉnh. Tập trung khắc phục, tháo gỡ mọi rào cản, vướng mắc; tận dụng tối đa mọi cơ hội để đẩy mạnh phát triển. Mục tiêu phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2023 tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung vào năm 2025 làm tiền đề để đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước”, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh.

Cán bộ là gốc

Lâu nay chúng ta thường nói, sau khi có đường lối, chủ trương đúng thì cán bộ đóng vai trò quyết định việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương đó. Nhưng mặt khác, nhiều khi cán bộ quyết định cả việc định ra đường lối; cán bộ nào thì đường lối ấy; "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "là nguyên nhân của mọi nguyên nhân" – đại biểu HĐND cũng không nằm ngoài phạm vi đó. Trong hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là nhân tố cơ bản quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Quy chế hoạt động của HĐND. Để HĐND thực sự đại diện cho nhân dân, là nơi gửi gắm, củng cố niềm tin của cử tri đối với chính quyền phải bắt đầu từ vai trò, trách nhiệm và kết quả hoạt động của từng đại biểu HĐND. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động là một yêu cầu, đòi hỏi tất yếu và quan trọng đặt ra từ thực tiễn, từ cử tri đối với HĐND và với mỗi đại biểu HĐND.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân điều hành kỳ hội HĐND tỉnh khóa XIII.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân điều hành kỳ hội HĐND tỉnh khóa XIII.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cho rằng, trước yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với hệ thống chính trị nói chung và HĐND tỉnh nói riêng, HĐND tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của hệ thống HĐND các cấp có đủ Tâm - Tầm - Tài; hoạt động, làm việc trên tinh thần “Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, để người dân được hưởng thụ thành quả thật”. Muốn vậy thì trước hết, phải bắt đầu từ mỗi đại biểu dân cử, phụ thuộc vào năng lực, trách nhiệm của mỗi người với cử tri. Chúng tôi xác định có 5 giải pháp thiết thực xuyên suốt từ khi chuẩn bị nhân sự giới thiệu bầu cử đại biểu HĐND đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của mỗi đại biểu để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh.

Thứ nhất là, trong công tác bầu cử đại biểu HĐND, Thường trực HĐND tỉnh tham mưu cấp ủy trong việc lựa chọn các ứng cử viên để bầu; việc xây dựng cơ cấu đại biểu cần cân nhắc vừa bảo đảm tính cơ cấu, vừa bảo đảm chất lượng đại biểu, không nên nặng về cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn năng lực; phải tạo cho cử tri có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn được những đại biểu đủ đức, đủ tài, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu để đại diện cho họ thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu HĐND.

Thứ hai là, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các đại biểu bằng nhiều hình thức; đa dạng nội dung nhưng có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các kiến thức về quản lý nhà nước, pháp luật, kỹ năng nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin, tiếp xúc cử tri, giám sát, chất vấn, thẩm tra… Ngoài tập huấn ngay từ đầu nhiệm kỳ, hằng năm, Thường trực HĐND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu HĐND tỉnh tham gia các đợt tập huấn chuyên sâu theo chuyên đề, lĩnh vực do các Ủy ban của Quốc hội tổ chức như thẩm tra, giám sát về lĩnh vực tài chính, ngân sách, về đầu tư công... Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh cử lãnh đạo Thường trực, các Ban tham gia bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu cấp huyện, cấp xã theo đề nghị của Thường trực HĐND cấp huyện.

Thứ ba là, thường trực HĐND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu phát huy năng lực, sở trường, trí tuệ, tham gia vào mọi hoạt động của HĐND; nhất là tham gia thảo luận tại các kỳ họp, tham gia hoạt động giám sát, chất vấn. Lựa chọn, bố trí ủy viên các Ban, Tổ đại biểu đảm bảo kết hợp giữa đại biểu tái cử có nhiều kinh nghiệm và đại biểu mới trúng cử lần đầu để tăng cường sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng trong các hoạt động thực tế như giám sát, thẩm tra, thảo luận, chất vấn, tiếp xúc cử tri.   

Thứ tư là, theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND. HĐND tỉnh đã ban hành Quy chế hoạt động của HĐND; trong đó, quy định cụ thể về trách nhiệm và quyền của đại biểu HĐND và quy trình thực hiện một số hoạt động như hoạt động tiếp công dân, về tiếp nhận, phân loại, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đôn đốc và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri... Các quy định này nhằm cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của đại biểu trong thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đại biểu. Thực hiện các quy định này,  hàng năm, mỗi đại biểu HĐND phải báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND với cử tri nơi mình được bầu. Đây là việc phát huy quyền giám sát của nhân dân đối với đại biểu dân cử, buộc mỗi đại biểu phải hoạt động tốt hơn, có trách nhiệm hơn trước xã hội và cử tri. Đồng thời thể hiện đúng vị trí, vai trò và nhiệm vụ là “người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương”.

Thứ năm là, đảm bảo các điều kiện hoạt động, cung cấp thông tin, tài liệu cho đại biểu và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của HĐND. Trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh đã trang bị máy tính bảng cho đại biểu, thực hiện các kỳ họp không văn bản giấy; qua đó, giúp đại biểu nhận tài liệu sớm để nghiên cứu. HĐND tỉnh đã ban hành, bổ sung quy định về nội dung, mức chi phục vụ hoạt động của HĐND, trong đó, có các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với đại biểu HĐND theo quy định.
“Mọi hoạt động của HĐND, của các đại biểu đều hướng tới cử tri và nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Do đó, chúng tôi rất mong nhận được sự tin tưởng, ủng hộ, giám sát của cử tri với tập thể Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh và các đại biểu để cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đoàn kết, thống nhất hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, góp phần xây dựng quê hương núi Ấn - sông Trà giàu đẹp hơn, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc hơn”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh BÙI THỊ QUỲNH VÂN.

 

THANH THUẬN – BẢO HÒA

Ý kiến bạn đọc


.